M&A

Fiat Chrysler rút khỏi thương vụ tỷ USD vì Chính phủ Pháp xáo trộn thỏa thuận

(VNF) - Sáng nay (6/6), nhà sản xuất ô tô Fiat Chrysler Automenses N.V. (FCA) thông báo đã rút lại đề xuất sáp nhập với Renault SA của Pháp.

Fiat Chrysler rút khỏi thương vụ tỷ USD vì Chính phủ Pháp xáo trộn thỏa thuận

Fiat Chrysler rút đề xuất sáp nhập với Renault.

Thông báo được Fiat Chrysler công bố sau khi cuộc họp của hội đồng quản trị Renault trong ngày 5/6 đã không đạt được sự đồng thuận về lời đề nghị sáp nhập.

Fiat Chrysler cho rằng các điều kiện chính trị ở Pháp hiện không phù hợp để một sự kết hợp như vậy tiến hành thành công.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất ô tô Fiat Chrysler cũng đã chỉ trích Chính phủ Pháp vì đã ngăn chặn một thỏa thuận có thể tạo nên một nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới tính theo sản lượng.

Được biết, Chính phủ Pháp hiện đang nắm giữ hơn 15% cổ phần tại Renault và cũng là cổ đông lớn nhất tại Renault. Theo đó, cổ đông này đã đưa ra một số điều kiện để thương vụ sáp nhập được thông qua.

Cụ thể, Chính phủ Pháp yêu cầu thương vụ này phải đảm bảo sẽ không có việc sa thải hoặc đóng cửa các nhà máy ở Pháp. Ngoài ra, cổ đông lớn nhất của Renault cũng muốn doanh nghiệp được hợp nhất đặt trụ sở tại thủ đô Paris của Pháp.

Trước đó, ngày 27/5, hãng sản xuất ôtô Fiat Chrysler Automobiles (FCA) của Italy đã thông báo đề xuất "sáp nhập chuyển đổi" với hãng sản xuất ôtô Pháp Renault, trong một nỗ lực nhằm tạo ra liên doanh sản xuất ôtô hàng đầu thế giới đồng thời giúp khắc phục một số điểm yếu của mỗi bên.

Thương vụ sáp nhập này kỳ vọng sẽ đưa liên minh Renault-Fiat Chrysler trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, trị giá gần 40 tỷ USD và sản xuất khoảng 8,7 triệu xe mỗi năm.

Theo đề xuất của Fiat Chrysler Automobiles, các cổ đông của hãng này sẽ sở hữu 50% cổ phần của liên doanh sau sáp nhập, còn 50% cổ phần còn lại sẽ thuộc về cổ đông Renault.

Chính phủ Pháp cũng đã "bật đèn xanh" cho kế hoạch sáp nhập giữa hãng sản xuất ô tô Pháp Renault với hãng sản xuất ô tô Fiat Chrysler Automobiles (FCA) liên doanh của Italy và Mỹ. Tuy nhiên, những điều kiện đặt ra của Chính phủ Pháp đã khiến cho thương vụ trên "đổ vỡ" vào phút cuối.

Tin mới lên