Ngân hàng

‘Ế’ gần 90% cổ phiếu MBB do Vietcombank chào bán

(VNF) - Các nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 5,93 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội (MB), trong khi số lượng mà Vietcombank chào bán là 53,4 triệu cổ phiếu.

‘Ế’ gần 90% cổ phiếu MBB do Vietcombank chào bán

Các nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 5,93 triệu cổ phiếu MBB trong khi số lượng mà Vietcombank chào bán là 53,4 triệu cổ phiếu

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo kết quả đăng ký mua cổ phần Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE:MBB) từ Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE:VCB).

Đã có 10 nhà đầu tư bao gồm 5 nhà đầu tư cá nhân và 5 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua tổng cộng 5,93 triệu cổ phiếu MBB từ Vietcombank. Trong đó, nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua 4,8 triệu cổ phiếu, phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư cá nhân.

Trong khi đó, Vietcombank chào bán tổng số 53,4 triệu cổ phiếu, với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu. Như vậy, số lượng đăng ký mua trong đợt đấu giá này chỉ bằng khoảng 11% lượng cổ phiếu mà Vietcombank chào bán.

Thời hạn nộp phiếu đấu giá chậm nhất là 16h ngày 11/10/2018. Thời gian tổ chức đấu giá là 15h30’ ngày 15/10/2018.

Giá đấu thành công của nhà đầu tư được xác định theo giá đặt mua từ cao xuống thấp cho đủ số lượng cổ phần chào bán nhưng không thấp hơn giá khởi điểm và không thấp hơn giá đóng cửa cổ phiếu MBB trên sàn giao dịch chứng khoán tại ngày mở cuộc đấu giá công khai.

Với mức giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu, Vietcombank dự kiến sẽ chỉ thu về khoảng 116,5 tỷ đồng từ đợt đấu giá này.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, ngân hàng này còn nắm cổ phần cao hơn 5% ở 2 tổ chức tín dụng là MB và Eximbank. 

Từ đầu năm tới nay, Vietcombank cũng đã thực hiện thoái vốn tại nhiều tổ chức tín dụng như SaigonBank, Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) và vừa thoái sạch vốn khỏi Ngân hàng TMCP Phương Đông hôm 6/9.

Việc thoái vốn tại các tổ chức tín dụng khác là thực hiện yêu cầu của Thông tư 36. Theo quy định mới, các ngân hàng thương mại chỉ có quyền nắm giữ cổ phần trong tối đa hai tổ chức tín dụng khác với hạn mức quyền sở hữu ở mỗi tổ chức là 5%.

Quy định mới cũng cấm Chủ tịch, Giám đốc điều hành và Phó giám đốc điều hành của bất kỳ ngân hàng nào nắm giữ cổ phần trực tiếp của các tổ chức tín dụng khác. Tổ chức tín dụng hoạt động không hiệu quả được phép nộp đơn xin phá sản từ tháng 6/2018.

Những quy định mới được nhà điều hành đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo ngân hàng liên tục có hành vi sai trái liên quan đến quyền sở hữu chéo tại các ngân hàng và các doanh nghiệp khác. Đây cũng được xem là nỗ lực để nâng cấp hệ thống ngân hàng địa phương đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, theo đó bên cho vay phải đáp ứng các yêu cầu để nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, quy định chặt chẽ hơn đã thúc đẩy các tổ chức tín dụng cải thiện tính minh bạch nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế.

Tin mới lên