Thị trường

Dự thảo Thông tư quy định cách xác định hàng Việt: Không thể ban hành?

(VNF) – Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Tư pháp cho rằng những quy định về điều kiện như vậy không thể ban hành dưới hình thức Thông tư mà phải ở hình thức Nghị định.

Dự thảo Thông tư quy định cách xác định hàng Việt: Không thể ban hành?

Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp mới đây đã có văn bản góp ý dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam (do Bộ Công Thương soạn thảo).

Bộ Tư pháp cho rằng việc ban hành quy định cụ thể về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam là cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng nội dung dự thảo Thông tư có chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam - tức là chứa đựng những quy định về điều kiện mà theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì không thể ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng.

“Với nội dung như vậy cần ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Về nội dung của dự thảo Thông tư, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương “không quy định lại các nội dung đã được thể hiện tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP” mà cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn để bảo đảm yêu cầu của khoản 2 Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Các nội dung trùng lặp giữa dự thảo Thông tư và Nghị định 31 được Bộ Tư pháp chỉ ra gồm: các khoản 1, 2, 3, 4,7, 9 Điều 3 dự thảo Thông tư giải thích lại các từ ngữ đã được quy định tại các khoản 11, 12, 13, 14, 9, 15 Điều 3 Nghị định 31;

Điều 8 dự thảo Thông tư về cơ bản giữ nội dung quy định lại Điều 7 Nghị định 31, chỉ sửa đổi kỹ thuật theo hướng thay thế cụm từ "nước", "nhóm nước", "vùng lãnh thổ" thành cụm từ "Việt Nam";

Các điều 10, 11, 12, 13 dự thảo Thông tư quy định lại các điều 9, 10, 11, 12 Nghị định 31, trong khi cơ quan chủ trì soạn thảo chưa hướng dẫn được như thế nào là "lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm" tại khoản 6 Điều 10 dự thảo Thông tư và mối quan hệ của khoản 6 này với Điều 9 dự thảo Thông tư;

Điều 10 dự thảo Thông tư khi quy định về các công đoạn gia công, chế biến đơn giản lại không có nội dung nêu tại khoản 7 Điều 9 Nghị định 31 về việc "Kết hợp của hai hay nhiều công việc đã liệt kê từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này".

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra sự thiếu thống nhất trong các sử dụng thuật ngữ của dự thảo Thông tư.

Cụ thể, khoản 8 Điều 3 dự thảo Thông tư định nghĩa "Hàm lượng giá trị gia tăng là... sau khi trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu hoặc trị giá nguyên liệu đầu vào không xác định được xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa". Trong khi đó, khoản 3 Điều 9 dự thảo Thông tư lại sử dụng thuật ngữ "Trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam".

Cũng theo Bộ Tư pháp, quy định tại khoản 1 Điều 14 dự thảo Thông tư chưa rõ ràng: nếu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam thì có nghĩa là tổ chức, cá nhân này được thể hiện là hàng hóa của nước khác?

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, xuất xứ hàng hóa là một nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương giải trình rõ hơn nội dung này.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Công Thương cần bổ sung nghĩa vụ tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, không chỉ có "Thông tư này" tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Thông tư.

Tin mới lên