Hồ sơ VNF

Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030

(VNF) - Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 được ban hành với mục đích xây dựng một khung khổ chính sách chung của Chính phủ để chỉ đạo việc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn 2020-2030.

Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030

Cách mạng công nghiệp 4.0 có tiềm năng thay đổi căn bản nền sản xuất.

Nước ta đã đạt được kết quả phát triển rất ấn tượng trong hơn ba thập niên qua nhưng vẫn là một nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp của thế giới. Nền tảng sản xuất của nước ta còn yếu so với thế giới, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Bên cạnh đó, đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế so với nhiều nền kinh tế ở giai đoạn phát triển tương tự. Trong khi đó, quá trình phát triển đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường và xã hội, đòi hỏi được giải quyết thỏa đáng để bảo đảm phát triển cao và bền vững.

Về mức độ sẵn sàng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể nhận định tình hình nước ta như sau:

Về tổng thể, Việt Nam được đánh giá có mức độ sẵn sàng tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 khá thấp. Theo Báo cáo Sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 2018 của WEF, Việt Nam được xếp vào nhóm Non trẻ (Nascent), xếp ở vị trí 53 về Động lực sản xuất và vị trí 48 về Cấu trúc sản xuất. Cho đến nay tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học công nghệ. Chỉ số kinh tế tri thức còn rất thấp, chưa đạt được điểm trung bình của thế giới.

Về thể chế kinh tế phục vụ việc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, chất lượng thể chế của Việt Nam được đánh giá chưa cao. Việt Nam hiện đang xếp vị trí 94/140 nền kinh tế về Chỉ số Thể chế trong bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF (năm 2018). Nhìn chung, hệ thống thể chế, pháp luật về kinh doanh có nhiều điểm không phù hợp với nhu cầu đổi mới, sáng tạo của Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, chưa có quy định pháp luật cho nhiều mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ 4.0. Việc ứng dụng nhiều công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh gặp rào cản về pháp luật.

Về hạ tầng công nghệ, nền tảng công nghệ 4G phát triển khá tốt với tỷ lệ thuê bao điện thoại di động ở mức 139 thuê bao/100 dân, cao hơn nhiều trong khu vực và trên thế giới. Mạng cáp quang phủ rộng khắp cả nước, thị trường băng thông rộng có dây tăng trưởng nhanh và ổn định trong vài năm qua. Tuy chưa đủ đáp ứng nhu cầu của công nghiệp 4.0 nhưng hạ tầng internet đã có cơ sở khá vững chắc để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong tương lai.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, được đào tạo khá tốt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin – nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Lực lượng lao động này được nhiều công ty công nghệ trên thế giới đánh giá cao, là yếu tố quan trọng để nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam phát triển ra thế giới và nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư, thành lập các cơ sở Nghiên cứu và Phát triển (R&D) ở Việt Nam17. Tuy nhiên, còn thiếu các kỹ sư công nghệ, nhất là ở kỹ sư có trình độ cao và năng lực quản lý, và trình độ, kỹ năng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các công ty công nghệ hiện nay và trong tương lai.

Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều hạn chế.

Về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam chưa ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo khảo sát của Bộ Công Thương và UNDP năm 2018, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam (85%) đang đứng bên ngoài Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, trong một số ngành dịch vụ, ví dụ như du lịch-lữ hành, thương mại, tài chính-ngân hàng, giáo dục, giao thông vận tải…, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng nhiều công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong kinh doanh.

Về ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực công, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây, việc xây dựng chính phủ điện tử và ứng dụng các công nghệ trong quản lý nhà nước còn chậm.

Tóm lại, Việt Nam đã có nhiều yếu tố cần thiết để tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là về thể chế và chính sách để có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp này.

Quý độc giả quan tâm có thể xem toàn văn Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo tại đây.

Tin mới lên