Thị trường

Du lịch bị ‘thắt cổ chai’, Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL giải quyết

(VNF) – Văn phòng Chính phủ vừa phát đi công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Du lịch bị ‘thắt cổ chai’, Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL giải quyết

Bảo tàng "nghìn tỷ" vắng khách tham quan.

Công văn cho biết, trong thời gian qua, TS Lương Hoài Nam đã có bài viết đăng tải trên báo chí, phân tích các "nút cổ chai" đang kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch như: mức độ cởi mở quốc tế, ưu tiên phát triển du lịch, nền tảng tin học, môi trường, hạ tầng sân bay, giao thông mặt đất…

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trước đó, trong bài viết của mình, TS Lương Hoài Nam cho rằng: "Thực tế là ngành du lịch Việt Nam bị kìm hãm, thậm chí bị vô hiệu hóa bởi nhiều 'nút cổ chai' ".

TS Nam dẫn chứng, du lịch Việt Nam chỉ được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp thứ 67/136 nền du lịch được xếp hạng. Với 10 triệu lượt du khách quốc tế đạt được trong năm 2016, Việt Nam vẫn đang thua kém các điểm đến du lịch quốc tế trong khu vực khá xa như: Thái Lan (32,6 triệu, thứ hạng cạnh tranh toàn cầu 34), Malaysia (26,8 triệu, thứ hạng cạnh tranh 26), Singapore (16,4 triệu, chỉ là một thành phố, thứ hạng cạnh tranh 13), Hồng Kông (26,7 triệu, chỉ là một thành phố, thứ hạng cạnh tranh 11).

Thậm chí, so với Campuchia, mặc dù thứ hạng cạnh tranh du lịch của họ xếp thứ 101/136, thấp hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng với dân số chỉ hơn 15 triệu người (bằng 1/6 dân số nước ta), năm 2016 Campuchia đã đón 5 triệu du khách quốc tế, bằng một nửa lượng du khách quốc tế vào Việt Nam.

TS Lương Hoài Nam đã đề xuất đặt mục tiêu xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của du lịch Việt Nam vào tốp 60 vào năm 2020, tốp 50 vào năm 2025. TS Nam cho rằng du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng. Ví dụ như tiềm năng đầu tư công viên dạng Disneyland, Universal Studios ở khu vực Hà Nội và khu vực TP. HCM phục vụ cho cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế.

Theo TS Nam, để làm được điều này, Nhà nước cần có chủ trương, quy hoạch đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và chọn nhà đầu tư thực sự biết nghề và có tiềm lực tài chính để không lặp lại thất bại như với các dự án Làng văn hóa các dân tộc ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), Happyland ở Bến Lức (Long An). Một công viên chủ đề thành công có thể giúp "giữ chân" du khách quốc tế được 0,5-1 ngày, tăng chi tiêu của du khách tại địa phương thêm trên dưới 10%.

TS Nam cũng chỉ ra một vài bất cập mà bao lâu nay du lịch Việt chưa thể giải quyết triệt để. Đơn cử như hệ thống bảo tàng của nước ta hàng chục năm nay nằm trong tình trạng nhiều số lượng, ít chất lượng. Nhiều bảo tàng thuộc diện "vỏ khủng - ruột rỗng", nghèo hiện vật, thiếu các câu chuyện cuốn hút du khách, lạc hậu về kỹ thuật trưng bày và thuyết minh. Không ít bảo tàng được sử dụng làm bãi đỗ xe, tổ chức tiệc cưới, làm nhà hàng, quán bia... gây lãng phí đất đai và các chi phí hoạt động.

Vì vậy, theo TS Nam, Nhà nước cần tiến hành một cuộc rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống bảo tàng ở nước ta để giảm số lượng, tăng chất lượng, mạnh dạn giao cho tư nhân đầu tư nâng cấp và tổ chức kinh doanh một số bảo tàng để thúc đẩy du lịch phát triển.

TS Lương Hoài Nam còn cho biết thêm, nước ta có nhiều lợi thế phát triển mảng du lịch lịch sử chiến tranh, với rất nhiều địa danh chiến tranh nổi tiếng thế giới, với những trận đánh được nói đến trong các tài liệu nghiên cứu lịch sử, văn học, điện ảnh quốc tế.

Không ít người dân ở các nước nhận mình là "thế hệ chiến tranh Việt Nam" và tìm hiểu nhiều về lịch sử chiến tranh của nước ta. Ở mảng du lịch này, ngành du lịch nước ta còn có nhiều khoảng trống để phát triển.

TS Nam cũng phân tích rằng một trong những rào cản khiến lượng khách du lịch quốc tế ít, thấp hơn so với các quốc gia lân cận đó chính là chính sách miễn visa du lịch. Đối với du khách quốc tế từ các nước phát triển, vấn đề visa không phải ở mức phí visa, mà là ở sự nhiêu khê, cảm giác khó chịu nếu phải xin visa khi đến Việt Nam trong khi được miễn visa vào nhiều nước khác.

"Chúng ta cần nhận thức, visa du lịch không phải là chính sách ‘có đi có lại’. Cũng cần tránh cách hiểu là mọi công dân các quốc gia được miễn visa đương nhiên được phép nhập cảnh vào Việt Nam", TS Nam nêu quan điểm.

Do vậy, TS Nam cho rằng để thực hiện những mục tiêu phát triển du lịch rất cao mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra, thì việc cải thiện chính sách visa du lịch, bao gồm mở rộng diện miễn visa du lịch, cấp visa qua mạng, đơn giản hóa thủ tục xin và duyệt cấp visa tại cửa khẩu là một trong những điều kiện tiên quyết để thành công.

Tin mới lên