Bất động sản

Dự án BT làm ‘nóng vội, tràn lan’, sao vẫn thực hiện?

Đây là vấn đề được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ra vào chiều 16/9, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Dự án BT làm ‘nóng vội, tràn lan’, sao vẫn thực hiện?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định pháp luật về hoạt động đầu tư theo hình thức công tư (PPP) hiện nằm rải rác ở nhiều luật (Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai…) nên không phản ánh đúng bản chất mối quan hệ công – tư, và khiến quá trình triển khai các dự án PPP gặp khó khăn, bất cập.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đánh giá, quy định về PPP hiện có tính ổn định chưa cao. Dẫn tới, nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro khi khi chính sách thay đổi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự Luật PPP được thiết kế với quy mô lớn như hiện nay chắc chắn sẽ xung đột với nhiều luật hiện hành. Theo ông, luật này chỉ nên tập trung vào phần ký hợp đồng, cụ thể là hợp đồng BOT. “Nguyên tắc tối cao của hợp đồng là tự nguyện, thoả thuận, trên nguyên tắc không trái pháp luật đã được luật khác quy định”, ông góp ý.

Đáng lưu ý, một số ý kiến cho rằng, việc triển khai các dự án PPP thời gian qua thường chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát, lãng phí, tiêu cực là do các quy định về điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ đấu thầu, dự thảo hợp đồng PPP thiếu chặt chẽ, cần có quy định khắc phục những hạn chế này.

“Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm, hạn chế lớn nhất thời gian qua của các hình thức đầu tư này là gì? Tương ứng với từng hạn chế thì điểm nào trong luật khắc phục được? Bà Nga ví dụ, như BOT, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cũng định hướng tập trung kiểm tra xem có tham nhũng không. Vậy, bây giờ khắc phục được bằng quy định nào?

“Khi có BOT, tại sao cùng cơ chế đó chỉ thu hút ở các dự án giao thông mà không thu hút được ở loại đầu tư khác?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp lưu ý thêm, làm BOT giao thông, nhà đầu tư chủ yếu kêu lỗ, nhưng chuyên gia tính toán “không thể lỗ được”. BOT thì làm đường độc đạo, buộc người dân phải đi nên người dân không chịu.

Một vấn đề nữa khiến Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp băn khoăn là tại sao trên thế giới không làm BT nữa, vậy tại sao nước ta vẫn làm. “Thực tiễn thời gian qua, Chính phủ cũng nói là làm có nóng vội, tràn lan. Vậy tại sao thế giới không làm nữa mà chúng ta vẫn tiếp tục?”, bà Nga nêu.

Tin mới lên