Diễn đàn VNF

Doanh nhân người làng

(VNF) - Làng Phú La của tôi ở vùng quê Thái Bình, cũng giống như nhiều ngôi làng đặc trưng nơi Đồng bằng Bắc Bộ. Làng đất chật, người đông, không phải là nơi sở đắc làm giàu, lập danh. Thế nên, trau làng khi lớn lên thì đều tìm cách bay nhảy, vượt ra khỏi lũy tre làng mà đi xa...

Doanh nhân người làng

Ông Nguyễn Quốc Huy, là Phó Tổng giám đốc GELEXIMCO (người đang đứng phát biểu).

Tìm hiểu lịch sử, từ xa xưa người làng ra đi, có nhiều đận theo vận nước, nhập vào những cơ hàn kiếm sống khi nước mạt vận, hay theo tiếng gọi ái quốc khi có kẻ xâm lăng kéo đến, thì quyết sống chết tham gia vào những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Còn lại, chủ yếu ra đi là theo tiếng gọi của mình, để thỏa cái chí tang bồng lập thân của mình.

Ra đi rồi cuối cùng, lại để trở về. Đa số trở về khi đã nên danh phận, đã khép một vòng đời phấn đấu, khi thênh thang, lúc nhọc nhằn…

Cũng có nhiều người ra đi, không thể về lại quê, thân xác còn gửi nơi xa. Ngay trong họ nhà tôi, đã nhiều người như thế. Ông nội tôi là cụ Phó Ngọ, trước cách mạng, kéo cả vợ con ra đất mỏ Vàng Danh, Cẩm Phả nhặt than kiếm sống, rồi tha hương tiếp, lên tít Tây Bắc. Khi ông mất, con cháu chôn ở chân núi. Ông đã dặn trước là đào sâu chôn chặt nên mộ ông giờ vẫn nằm trên ấy. Ông anh cả của ông ngoại tôi là cụ Khóa Tuỳnh, ra Hải Phòng làm nghề dạy học, chết trước nạn đói 1945. Con cái còn nhỏ, đường xá ngày ấy rất xa xôi cách trở, mộ ông mờ mịt đâu đó ở An Lão. Cậu út Thản tôi mấy năm nay dò tìm để rước Bác Cả về. Nghe kể, cụ Khóa Tuỳnh có nhiều học trò, khi chết được làm ma to lắm, rồi cải mộ thì sắm quách gỗ lớn, táng ở đồng An Tiến. Vậy mà thời gian hơn tám mươi năm che mờ, vẫn chưa tìm ra… Cậu thứ hai của tôi là cậu Vỵ, đi bộ đội, hy sinh trong chống Mỹ, đã tìm được mộ đưa về nghĩa trang liệt sỹ huyện. Anh Hồng, anh trai khác mẹ của tôi, cũng đi bộ đội hy sinh, nhưng đến bây giờ, chỉ biết đang nằm đâu đó trên những cánh rừng vùng Thừa Thiên Huế…

Tôi lớn lên, bắt đầu biết quan sát, làm báo, đi công tác, đến đâu, ở địa phương nào, suốt từ Lạng Sơn tới Phú Quốc, đều nghe nói có người gốc tích làng mình đang sinh sống, làm ăn và phát triển.

Người làng tôi ra đi lập thân, lập nghiệp, ở thời nào cũng có đóng góp vào chung vào với thiên hạ, nhiều người thành danh, có công tích, làm vẻ vang thêm truyền thống cho làng thôn, dòng họ, được người đời sau kể mãi.

Từ xa xưa, làng đã có người đỗ đạt, được vua mời ra làm quan trong triều. Có nhiều vị đỗ cử nhân, tú tài, rồi theo con đường giáo học, nhiều người làm binh tướng… Họ là một phần làm nên cái danh tiếng của làng Phú La thuộc tổng An Lạc, phủ Tiên Hưng, như đôi câu đối nhiều ngữ nghĩa đắp ở cổng làng xưa: “Đa văn vi Phú La thiên hạ/Tri ngộ như An Lạc tính tình”.

Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, làng tôi đóng góp vào tới 117 liệt sỹ, gần 100 thương, bệnh binh, 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 Anh hùng LLVT là TNXP. Năm 1986, đóng góp thêm một anh hùng nữa, là Anh hùng Đinh Trọng Lịch, hy sinh trong chiến đấu chống tiêu cực ở Cảng Hải Phòng.

Làng đã có người lên tướng, như Thiếu tướng Vũ Quốc Hùng, rồi nhiều vị đóng lon tá, như TSKH, Đại tá Vũ Khắc Khoan, hay đại tá mà… “oai” như tướng, là Đại tá Vũ Ngạch, bạn chí cốt của Tướng Phùng Thế Tài, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn cận vệ 144 bảo vệ Trung ương…

Đến thời mới này, những người ra đi từ làng Phú La vẫn đang phát lên tiếp tục: Làng có nhiều tiến sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ, nhà văn, nhà báo, rồi Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú. Cán bộ lãnh đạo là người làng, thì cỡ Giám đốc Sở, Chủ tịch huyện nhiều lắm, có người còn làm đến cả Bí thư Tỉnh ủy như ông Nguyễn Khắc Chử ở tỉnh Lai Châu địa đầu Tây Bắc…

***

Bây giờ, đến thời bàn soạn làm ăn, khởi nghiệp làm giàu cho nhà, cho nước, câu chuyện doanh nghiệp doanh nhân thành thời sự, thì làng Phú La tôi lại có niềm tự hào mới, đó là tự hào về những doanh nhân xuất thân người làng.

Như ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn VINACAM. Doanh nghiệp này có cả ngàn nhân viên, thuộc Top VNR 500, là nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất Việt Nam, chuyên nhập khẩu, phân phối vật tư nông nghiệp và phân bón cho cả vùng đồng bằng Nam bộ rộng lớn, rồi xuất khẩu gạo, làm du lịch sinh thái, phát triển chuỗi cung ứng toàn diện trong ngành nông nghiệp.

Như ông Nguyễn Quốc Huy, là Phó Tổng giám đốc GELEXIMCO, tập đoàn hàng đầu về đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp, bất động sản, công nghệ thông tin, đào tạo và dịch vụ thương mại. Tập đoàn này nổi tiếng với người đứng đầu là đại gia Vũ Văn Tiền, cũng là người đi lên từ quê lúa Thái Bình.

Hai doanh nhân thuộc thế hệ 6X này, tôi biết rõ từ khi họ còn tay trắng, khó khăn, nhưng nhờ có ý chí và trí tuệ, lại gặp thời vận, mới làm nên danh tiếng và sự nghiệp. Bây giờ, nhìn ra sau họ, lại thấy nhộn nhịp, sôi động, hứa hẹn xuất hiện thêm nhiều doanh nhân trẻ mới nữa của làng, người là giám đốc công ty, người lập cơ sở sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh ở nhiều nơi trên khắp cả nước.

Ngay tại làng, cũng đã có công ty, như doanh nghiệp may xuất khẩu Giang Huyền thu hút bao nhiêu con em trong làng vào làm lao động công nghiệp với mức lương ổn định, đáng mơ ước. Rồi “Khu chế xuất, công nghiệp” Đô Lương được mở ra hoành tráng ngay trên đất xã, đầy hứa hẹn mới nữa…

Những doanh nhân người làng đã làm nên của cải cho họ, mang lại niềm tự hào cho làng, còn đóng góp không nhỏ, làm nên thay đổi, khang trang nơi làng xã.

Ông Vũ Duy Hải lập quỹ học bổng giúp học sinh nghèo, chi nhiều tiền để dựng tượng đài liệt sỹ bên chùa làng, xây nhà mẫu giáo xã, làm đường ra nghĩa trang… Ông Nguyễn Quốc Huy giúp cho nhà văn hóa thôn, xây Lầu Ông Vang, đóng góp việc in sách viết về lịch sử làng xã… Hai ông ấy còn làm nhiều việc khác nữa cho làng, không phải cần lúc nào cũng kể lể đầy đủ. Chủ doanh nghiệp may Giang Huyền thì xuân thu nhị kỳ, mỗi dịp lễ trọng, khi Tết đến Xuân về, đều có đóng góp vào việc đền ơn đáp nghĩa…

Ngoài các doanh nhân thành danh trên, thì những doanh nhân trẻ mới bắt đầu sự nghiệp, các cán bộ, viên chức, giáo viên, thầy thuốc… là người làng đi làm ăn xa quê, bây giờ thành đạt, đều đã có những đóng góp từ tâm vào công việc chung, làm cho làng xã thêm khởi sắc… Công cuộc nông thôn mới, sự nỗ lực của lớp lớp cán bộ xã, các nguồn ngân sách và kinh phí xã hội hóa nữa, cùng chung tay góp vào, đã làm nên khuôn mặt mới của làng tôi sáng bừng lên so với những năm tháng xa xưa.

Về làng, bây giờ, đúng là cảm nhận được rất rõ đã đến thời phát triển của đất nước lan tỏa đến tận xóm thôn. Và trong cái nền lan tỏa ấy, những doanh nhân người làng, qua câu chuyện làm ăn và ứng xử, đã truyền thêm nhiều cảm hứng, vun đắp khát vọng, gợi mở và tiếp sức cho lớp trẻ mới tiếp tục tiến bước. Vui thay vì thế mà thấy, mà tin rằng, cuộc sống sẽ còn tiếp tục phát triển đi lên hơn nữa…

Tin mới lên