Ngân hàng

Doanh nghiệp muốn được tự do nhập khẩu và huy động vàng

Hiệp hội kinh doanh vàng VN (VGTA) vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ hàng loạt giấy phép con trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng, trong đó có các điều kiện về nhập khẩu vàng nguyên liệu và huy động vàng.

Doanh nghiệp muốn được tự do nhập khẩu và huy động vàng

Ảnh minh họa

Theo VGTA, việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần được khuyến khích để đáp ứng nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế, thì doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, Hiệp hội kính đề nghị cho những doanh nghiệp đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch hàng năm và báo cáo định kỳ với NHNN.

Hiệp hội kính cũng đề nghị Chính phủ bãi bỏ quy định cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo lãnh đạo Hiệp hội vàng, việc gia công vàng trang sức, mỹ nghệ và tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để thực hiện hoạt động này hiện không nằm trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật đầu tư 2014. Hơn nữa, hoạt động tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu cũng không ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tỷ giá và chính sách tiền tệ của Nhà nước, nên NHNN cũng không cần cấp phép đổi với họat động này. Nếu có quy định, thì doanh nghiệp chỉ cần báo cáo định kỳ với NHNN.

Một đề nghị nữa của Hiệp hội là cho phép các doanh nghiệp vàng được vay vàng của các tổ chức, cán nhân. Lý do là Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định về điều kiện huy động vàng đối với các doanh nghiệp. Hơn nữa, Thông tư 11/2011/TT - NHNN cũng chỉ quy định chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các TCTD. Do đó, hoạt động huy động vàng của các doanh nghiệp được điều chỉnh theo quy định tại Luật đầu tư 2014, Luật doanh nghiệp 2014 và Bộ luật dân sự 2005.

Theo quy định tại Luật đầu tư 2014, việc doanh nghiệp vay vàng của các tổ chức, cá nhân không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hon nữa, hoạt động này cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24/NĐ- CP. Bởi vì, các doanh nghiệp chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ doanh nghiệp không cho vay lại, không thu phí giữ hộ. Như vậy, hoạt động vay vàng của doanh nghiệp chỉ là một công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và nó không phát sinh lợi nhuận. Do vậy, hoạt động này không thể được coi như hoạt động kinh doanh vàng khác theo quy định của Nghị định 24/NĐ-CP.

Theo Hiệp hội, hoạt động kinh doanh vàng khác bao gồm kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn vàng, giao dịch vàng phái sinh (giao dịch vàng kỳ hạn, giao dịch vàng quyền chọn, giao dịch vàng tương lai), quỹ đầu tư vàng...

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN và Bộ Tư pháp không nên coi hoạt động huy động vàng của các doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt doanh nghiệp phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước.

Một vướng mắc nữa được VGTA "kêu" là vấn đề giấy phép kinh doanh vàng miếng. Các doanh nghiệp vàng đề nghị, khi một Doanh nghiệp đã được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng thì đề nghị NHNN cho phép tất cả các Chi nhánh/Địa điểm kinh doanh trực thuộc không phải xin phép nữa mà chỉ cần làm Thông báo tăng mạng lưới mua bán vàng miếng theo nội dung thông tư 16/2012/TT-NHNN.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay địa điểm để kinh doanh đa số là phải đi thuê. Do vậy, việc thay đổi địa điểm kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì các doanh nghiệp phải xin phép NHNN, như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiệp hội đề nghị khi doanh nghiệp phải thay đổi địa điểm kinh doanh không cần tiếp tục xin giấy phép cho hoạt động đã được cấp phép.

Tin mới lên