Công nghệ

Định mệnh đưa tôi quay trở về Việt Nam

Năm 2006, cựu Phó thủ tướng Đức Philipp Rösler lần đầu trở về Việt Nam để biết về nguồn cội của mình. Sau 13 năm, Việt Nam trở thành nơi ông sẽ gắn bó và làm việc lâu dài.

Định mệnh đưa tôi quay trở về Việt Nam

Ông Rösler nhận định, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để Việt Nam vươn mình ra biển lớn. Ảnh: Hoàng Việt

Vì lịch trình kín đặc, ông Philipp Rösler chỉ có khoảng thời gian ngắn trò chuyện với báo chí trước khi di chuyển đến Đại học Quốc gia TP. HCM rồi sau đó ra thẳng sân bay trở lại Đức.

Đây là buổi gặp gỡ chính thức đầu tiên với truyền thông kể từ khi VinaCapital công bố thông tin cựu Phó thủ tướng Đức sẽ đầu quân với vai trò Chủ tịch hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hồi tháng 3.

Đúng 14h, ông Rösler, cũng như những lần trước, xuất hiện với áo sơ mi trắng đi kèm áo vest và quần tây tối màu. Nhưng thay vì đôi giày tây đạo mạo như khi còn làm chính trị gia, ông chọn cho đôi giày thể thao năng động.

Mở đầu cuộc gặp gỡ, ông Rösler vui vẻ chia sẻ: “Tôi quay trở lại Việt Nam lần này, không phải với tư cách chính trị gia, tham dự hội nghị đôi ba ngày mà là với cương vị người hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, hỗ trợ các bạn trẻ”.

“Đây là định mệnh của tôi” - ông Rösler khẳng định.

Năm 33 tuổi, ông Rösler mới lần đầu tiên trở về Việt Nam để biết về nguồn cội của mình. Sau 13 năm, Việt Nam lại trở thành nơi ông sẽ gắn bó và làm việc lâu dài.

Trong buổi gặp gỡ này, Philipp đồng thời đưa ra lời hứa, có thể nói là chính thức với giới truyền thông: “Tôi sẽ học tiếng Việt. Dù ngôn ngữ không phải là môn thế mạnh nhưng chắc chắn trong thời gian tới vốn tiếng Việt của tôi sẽ nhiều hơn câu cảm ơn và xin lỗi.”

Lý do đằng sau việc ông Rösler quay về Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp được ông lý giải đơn giản: “Trong cuộc bầu cử ở Đức, Đảng của tôi thua số phiếu và tôi buộc phải từ chức. Tôi chấp nhận dừng lại sự nghiệp chính trị ở đó. Nhưng trong rất nhiều năm khi còn là bộ trưởng bộ công nghệ và thành viên ban điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, tôi đã làm cầu nối các start up Đức với thung lũng Silicon. Tôi thấy vui vì mình đã cống hiến được cho cộng đồng. Và tại sao không tiếp tục công việc này?”

Tổng giám đốc VinaCapital Don Lam từng khẳng định việc mời ông Philipp Rösler trở về Việt Nam làm việc là quyết định vô cùng đúng đắn. Ông Rösler đã trải qua rất nhiều vị trí và vai trò công tác khác nhau trong cả khu vực nhà nước và tư nhân, từ bác sĩ quân y, người làm chính sách với các đại công ty và doanh nghiệp khởi nghiệp đến người thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.

Ông Rösler cho biết bản thân coi trở về Việt Nam thực chất là một bước tiến trong sự nghiệp. Đức là nền kinh tế lớn, có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam nhưng cả hai nước đều có một điểm chung: người Đức và người Việt đều rất thông minh, sáng tạo, và muốn sử dụng trí tuệ để đưa đất nước tiến lên.

Theo ông, tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, tài nguyên, hạ tầng cơ sở hay công nghệ mà chính là giới trẻ. Dù đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều bạn trẻ, nhưng tân chủ tịch hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures thừa nhận không nơi nào các bạn trẻ “máu” khởi nghiệp, năng động và chăm chỉ như Việt Nam. Điều cần làm là trao cho thế hệ trẻ cơ hội với một môi trường tốt, cũng như xây dựng hệ thống giáo dục hoàn thiện hơn.

“Hiện nay quỹ VinaCapital sở hữu một rổ danh mục đầu tư bao gồm các công ty khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực. Mô hình kinh doanh có tiềm năng sinh lời trong tương lai là một trong những điều kiện tiên quyết để chúng tôi đầu tư nhưng không phải là yếu tố quyết định.

Từ khi còn làm chính trị gia đến bây giờ, tinh thần khởi nghiệp, sự đam mê, óc sáng tạo mới của người sáng lập luôn là điều tôi quan tâm hàng đầu. Tôi không phải người trực tiếp ra quyết định đầu tư, nhưng tôn chỉ của chúng tôi là lấy con người - chính xác hơn là giới trẻ làm trọng tâm” - ông Rösler chia sẻ. 

Ông Rösler luôn miệng khẳng định “đầu tư vào giới trẻ” là việc ông ưu tiên hàng đầu. Với ông, người trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam có đủ yếu tố để cạnh tranh với bên ngoài nhưng lại thiếu một chiếc cầu nối. Sứ mệnh mà ông Rösler đặt ra khi về Việt Nam làm việc đó là: đưa start up Việt vượt ra khỏi lãnh thổ.

"Tôi sẽ đưa Việt Nam ra biển lớn"

Trong suốt buổi gặp gỡ báo chí, Philipp Rösler không ngừng tán dương và thể hiện tình cảm với món ăn Việt. Món ăn Việt rất ngon nhưng lại giữ vị trí khiêm tốn trên trường quốc tế. Vì sao vậy? Vì nhiều người chưa được nhiều người biết đến. Start up Việt cũng vậy.

Sứ mệnh mà ông Rösler đặt ra khi về Việt Nam là bắc chiếc cầu nối đưa start up Việt Nam đến thế giới. Ông thậm chí đã lên kế hoạch sẽ đưa một nhóm lớn, không phải một vài những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam và sẽ hỗ trợ những công ty không phải trong danh mục đầu tư của VinaCapital để mang lại giá trị cho cộng đồng Việt.

Theo ông Rösler, hệ sinh thái khởi nghiệp đang được xây dựng rất tốt ở Việt Nam. Đà Nẵng và TP. HCM liên tiếp khởi công xây dựng những Thung lũng Silicon của riêng mình.

Về việc Việt Nam đang vươn tới thành thung lũng Silicon thứ hai hay “Thung lũng Silicon” chỉ là một cái tên biểu tượng, ông Rösler bày tỏ: “Đầu tiên, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là một cách tốt để tạo động lực cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Đôi khi, đơn giản chỉ cần một cái tên để kích thích mọi người theo đuổi giấc mơ.

"Tuy nhiên, nếu chỉ sao chép y nguyên những gì của thung lũng Silicon thôi thì chưa đủ vì văn hóa, bản sắc riêng của Việt Nam khác Mỹ và môi trường kinh doanh ở thung lũng Silicon cũng khác với môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Kích thích phát triển và biến đổi linh hoạt - chỉ bằng cách đấy chúng ta mới có thể thành công".

Khởi nghiệp tại Việt nam đang nhận được sự ủng hộ từ chính phủ (pháp lý, vốn) và từ cộng đồng. Tinh thần khởi nghiệp tràn đầy trong huyết quản của các bạn trẻ. Điều đặc biệt ông quan sát được là các bạn trẻ Việt Nam trong thế giới phẳng không mất đi chất Việt, bản sắc Việt, di sản Việt trong sản phẩm khởi nghiệp.

Chia sẻ về kế hoạch “toàn cầu hóa” hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, ông Rösler khẳng định: “Tôi về Việt Nam mang trong mình hai sứ mệnh: đưa càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam càng tốt và đưa công ty khởi nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới.

Theo ông Rösler nhận định Việt Nam đang ở thời điểm vàng để Việt Nam vươn mình ra biển lớn. Ngoài lĩnh vực công nghệ, start up Việt có thể thử thách ở mảng năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tất nhiên năng lượng chưa bao giờ là mảng “ngon ăn” nhưng cơ hội luôn đi kèm với thách thức và đặc biệt đây là mảng mới chưa có nhiều start up dấn thân vào.

Ông Philipp Rösler dự đoán trong tương lai, Việt Nam chắc chắn sẽ có thêm nhiều startup kỳ lân (unicorn - dùng để chỉ các start up được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) theo đúng nghĩa. Việt Nam có đủ thành phần trong một công thức tạo nên những start up unicorn: nền tảng dân số hơn 90 triệu, đam mê công nghệ, cùng với hệ thống hạ tầng Internet.

Khởi nghiệp Việt Nam cần thời gian để bắt kịp với thế giới và vươn ra khỏi lãnh thổ. Nhưng sẽ sớm thôi.

“Tôi nhìn thấy tiềm năng start up ở thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư cũng vậy. Chắc chắn họ đến Việt Nam ngày càng nhiều” - ông Philipp Rösler đúc kết.

Tin mới lên