Tài chính

'Điểm tới hạn' của FPT Shop

(VNF) - Nếu không thể phát hành riêng lẻ để tăng vốn, doanh thu của FPT Shop sẽ tiếp tục giảm đà tăng khi chịu dồn ép lớn từ 2 phía: tăng trưởng toàn ngành chậm lại và giới hạn nợ.

'Điểm tới hạn' của FPT Shop

Đà tăng doanh thu của FPT Shop đang dần chậm lại.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) - doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ FPT Shop, doanh thu cả năm 2018 của FPT Retail đạt 15.298 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017 (tuyệt đại đa số doanh thu của FPT Retail hiện đến từ FPT Shop).

Mức tăng này thấp hơn đáng kể năm 2017 và năm 2016, lần lượt 21% và 37%.

Xét riêng quý IV/2018, mức tăng doanh thu chỉ vỏn vẹn 8% so với cùng kỳ năm 2017.

Sự suy giảm đà tăng doanh thu của FPT Retail là dễ hiểu, bởi ngành bán lẻ thiết bị di động đang tiến rất gần tới điểm bão hòa. Vì thế mà "đối thủ truyền kỳ" của FPT Retail là Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đã chuyển hướng từ lâu sang mảng điện máy rộng lớn hơn, thậm chí còn chuyển các cửa hàng Thegioididong.com - đối thủ trực tiếp của FPT Shop - thành các cửa hàng Bách hóa Xanh mini.

Ghi nhận trong 11 tháng năm 2018, doanh thu chuỗi Thegioididong.com chỉ tăng 1%, phần do đà tăng toàn ngành chậm lại, phần do bị chính chuỗi DienmayXanh.com cạnh tranh bởi chuỗi này cũng bán các thiết bị di động.

Tuy nhiên, giới hạn đối với tăng trưởng doanh thu của FPT Retail không chỉ đến từ việc toàn ngành dần bão hòa, mà còn đến từ giới hạn tài chính.

Năm 2018, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FPT Retail âm rất nặng, tới (-) 1.368 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi hàng tồn kho tăng mạnh (790 tỷ đồng), các khoản phải trả giảm mạnh (578 tỷ đồng) và các khoản phải thu giảm mạnh (333 tỷ đồng), bào mòn toàn bộ dòng tiền từ lợi nhuận (434 tỷ đồng).

Đây là lý do chính yếu khiến FPT Retail phải tăng mạnh nợ vay trong năm 2018 để bù đắp sự thiếu hụt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Cụ thể, tổng nợ vay của FPT Retail tại ngày 31/12/2018 là 2.947 tỷ đồng, gấp 2,5 lần con số đầu năm. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu đều ở mức cao, lần lượt 3,6 lần và 2,5 lần.

Muốn duy trì tăng trưởng doanh thu cao, hàng tồn kho của FPT Retail phải tiếp tục tăng mạnh, kéo theo đó là nguy cơ dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm. Tuy nhiên, với hệ số nợ cao như trên, doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng FPT Shop này sẽ không còn nhiều dư địa gia tăng vay nợ.

Và nếu không thể phát hành riêng lẻ để tăng vốn, doanh thu của FPT Retail sẽ tiếp tục giảm đà tăng khi chịu dồn ép lớn từ 2 phía: tăng trưởng toàn ngành chậm lại và giới hạn nợ.

Tin mới lên