Công nghệ

Dịch vụ truyền tải dữ liệu trực tuyến: 'Mỏ vàng' thời hiện đại​

Dịch vụ truyền tải dữ liệu trực tuyến đang ngày càng lớn mạnh và trở thành thế lực cạnh tranh trực tiếp đối với không chỉ kinh đô Hollywood mà còn cả các hình thức truyền thông truyền thống khác.

Dịch vụ truyền tải dữ liệu trực tuyến: 'Mỏ vàng' thời hiện đại​

Đoạn quảng cáo phim "The King" trên Netflix

Chính thức ra mắt vào cuối tháng 9/2019, tác phẩm chính kịch lịch sử "The King" của đạo diễn David Michod là một trong bốn tác phẩm lớn của Netflix được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Busan – ngày hội điện ảnh quan trọng nhất tại châu Á.

Điều này cho thấy các dịch vụ truyền tải dữ liệu trực tuyến đang ngày càng lớn mạnh và trở thành thế lực cạnh tranh trực tiếp đối với không chỉ kinh đô Hollywood mà còn cả các hình thức truyền thông truyền thống trong việc thu hút sự chú ý của các nghệ sĩ cũng như khán giả.

Châu Á được coi là khu vực địa lý quan trọng trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp phát trực tuyến toàn cầu.

Bên cạnh việc vinh danh những tác phẩm nghệ thuật, Liên hoan phim quốc tế Busan đã lần đầu tiên tổ chức Lễ trao giải Nội dung phim xuất sắc trong khu vực châu Á nhằm ghi nhận sự thay đổi nhanh chóng của thị trường điện ảnh toàn cầu.

Nhận định về diễn biến trên, đạo diễn Michod nói: “Họ (Netflix) đã cho chúng tôi động lực và sự tự do để thực hiện điều này đúng cách". Đạo diễn này cho biết thêm rằng ông rất hài lòng với điều đó bởi vì nó giúp ông không mất quá nhiều thời gian chờ đợi tại các phòng vé.

Trong những năm gần đây, các dịch vụ như OTT (over-the-top - hay còn gọi là các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí trên Internet) và dịch vụ VOD (dịch vụ chiếu video theo yêu cầu) thông qua các nền tảng truy cập trực tuyến như Amazon Prime, YouTube, Hulu và Apple TV đang bùng nổ.

Kết quả là, ở đâu có cầu thì ở đó có cung, nhiều ngôi sao đình đám của Hollywood như Julia Roberts, Rooney Mara, Brad Pitt và Will Smith đều đã chấp nhận để hình ảnh của họ được khai thác trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến.

Trong khi đó, hai “ông lớn” của làng công nghệ và điện ảnh thế giới là Apple và Disney cũng chuẩn bị cho ra mắt các nền tảng trực tuyến của riêng mình với dịch vụ trải dài trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương để tận dụng xu hướng sử dụng các thiết bị di động ngày càng cao, đi kèm với khả năng truy cập Internet tốc độ cao được cải thiện trên toàn khu vực.

Vivek Couto, Giám đốc điều hành của nhóm nghiên cứu Media Partners Asia, cho rằng châu Á – Thái Bình Dương là khu vực "cốt yếu" đối với kế hoạch phát triển của các nền tảng phát trực tuyến trên toàn cầu.

Báo cáo do Giám đốc Couto thực hiện dự báo rằng doanh thu từ việc phát các video trực tuyến trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương - chủ yếu đến từ đăng ký phim, truyền hình và quảng cáo - sẽ tăng 24%, đạt giá trị 27 tỷ USD trong năm 2019 và 50 tỷ USD trong năm 2024.

Trong đó, Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 59%, mặc dù các quy định nghiêm ngặt của Bắc Kinh có thể khiến người dùng nước ngoài gặp một chút khó khăn khi tiếp cận các nền tảng địa phương như iQIYI, Tencent Video và Youku.

Ngoài ra, nền tảng YouTube thuộc sở hữu của Google vẫn duy trì vị trí kiếm phần doanh thu lớn nhất ở châu Á và các nền tảng Hotstar, Netflix và Amazon Prime và Disney đều chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong vài năm qua.

Tuy nhiên, giữa một thị trường ngày càng phát triển, sự cạnh tranh là khó tránh khỏi. Giám đốc Couto đã cảnh báo rằng: "Trước đây, các tác phẩm truyền hình thường được “bảo hộ” bởi nhà mạng lớn tại các thị trường như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị hiếu khán giả chuyển sang các nền tảng trực tuyến, việc đầu tư vào nội dung tác phẩm ngày càng trở nên quan trọng”.

Đồng quan điểm này, các chuyên gia khác cũng cho rằng trong một thị trường đang phát triển ngày một màu mỡ, sẽ không tránh khỏi sự xuất hiện của những “gã khổng lồ” trực tuyến toàn cầu và điều này đặt các nền tảng trực tuyến của từng địa phương vào thế khó.

Mặc dù vậy, những nhà sản xuất này vẫn đang rất tự tin mở rộng hoạt động kinh doanh của họ. Lấy dịch vụ video theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á HOOQ làm ví dụ với tuyên bố sẽ công bố 19 tác phẩm đang được thực hiện bởi các nhà làm phim trong khu vực.

Gần đây nhất, công ty này cũng đã mở rộng sự hiện diện sang 8 thị trường Đông Nam Á mới.

James Bridges, đồng sáng lập HOOQ cho biết: "Khi chúng tôi mở rộng các dịch vụ của mình, trọng tâm chính sẽ là tìm kiếm các bộ phim tài liệu từ những thị trường đó, nhằm tiếp cận với tiếng nói của địa phương cũng như những điểm độc đáo duy nhất mà chỉ họ mới có”.

Việc điều chỉnh nội dung theo nhu cầu của khán giả sẽ rất quan trọng. Hiện có khoảng 250 triệu người thường xuyên xem phim trên các thiết bị di động của họ ở Ấn Độ.

Nắm bắt được điều này, Netflix đã giới thiệu một phiên bản phát trực tuyến chỉ dành riêng cho các thiết bị di động. Tuy nhiên, các công ty châu Á mới là những “người chơi” có lợi thế trong việc hiểu được các khán giả của họ muốn gì.

Nhà sản xuất phim kiêm Giám đốc điều hành dịch vụ VoD ALT Balaji của Ấn Độ Ekta Kapoor cho hay: "Điểm mạnh của những công ty (địa phương) là nhanh chóng bắt kịp thị hiếu của khán giả, bên cạnh việc phần nào định hướng cách họ thưởng thức các nội dung".

Nhà lãnh đạo này nói: "Chúng tôi đang làm ra những chương trình để xem trên các thiết bị di động, chứ không phải là điều chỉnh theo chúng.

Những tác phẩm ngắn hơn, kể về các nhân vật và vấn đề địa phương sẽ là bàn đạp đưa chúng tôi tiến lên phía trước".

Tin mới lên