M&A

ĐHCĐ BIDV: Chưa có câu trả lời chính xác về tiến độ thương vụ bán vốn cho Keb Hana

(VNF) - Tại ĐHĐCĐ 2019 của Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE:BID) tổ chức hôm nay (26/4), cổ đông có nhiều thắc mắc về tiến độ thương vụ bán vốn cho Keb Hana Bank, tỷ lệ an toàn vốn và tình hình kinh doanh cũng như trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng.

ĐHCĐ BIDV: Chưa có câu trả lời chính xác về tiến độ thương vụ bán vốn cho Keb Hana

Năm 2019, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng.

Cổ đông đặt câu hỏi về những vướng mắc cụ thể khi đàm phán với Keb Hana “ngân hàng tự tin bao nhiêu % có thể hoàn thành thương vụ này?”.

“Đây là câu chuyện khá dài, trải qua nhiều giai đoạn từ khi ĐHĐCĐ năm 2017 chúng ta cũng đã đặt vấn đề tìm cổ đông chiến lược. Năm 2018, chúng ta xác định danh tính nhà đầu tư tiềm năng là tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc. Trong quá trình đàm phán và bán vốn, theo quy định pháp luật của Việt Nam, chúng ta đã trải qua rất nhiều thủ tục, và những thủ tục đấy đến nay về cơ bản đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện một số thủ tục vẫn còn chưa hoàn tất. Giá kỳ vọng của đối tác và chúng ta cũng chưa gặp nhau”, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú chia sẻ.

Ông Phan Đức Tú không trả lời chính xác về thời điểm hoàn tất thương vụ vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ thị trường, yêu cầu kỹ thuật về thủ tục pháp luật và cả giá kỳ vọng của 2 bên…

“Hội đồng quản trị sẽ làm tối đa để có thể hoàn tất thương vụ này sớm nhất vì đây là thương vụ rất quan trọng với BIDV”, ông Phan Đức Tú khẳng định tại đại hội.

Theo ông Tú, thương vụ này quyết định hoạt động của BIDV trong tương lai về việc đáp ứng tỷ lệ CAR, các chỉ số an toàn trong hoạt động, khả năng mở rộng quy mô kinh doanh của BIDV.

Liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận giảm 200 tỷ đồng, từ 10.500 tỷ đồng lúc đầu xuống còn 10.300 tỷ đồng, ông Phan Đức Tú cho biết: “Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều và đưa ra kế hoạch 10.500 tỷ đồng. Sau khi  rà soát đánh giá lại khả năng, chúng tôi thấy rằng hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng trích dự phòng rủi ro thêm 200 tỷ đồng, theo đó, LNTT giảm so với dự kiến”.

Ông Phan Đức Tú cho biết, dự kiến lơi nhuận của ngân hàng riêng lẻ đạt 30.000 tỷ đồng và sẽ trích trích rủi ro 20.200 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng mẹ sẽ có lãi khoảng 9.800 tỷ đồng.

“BIDV hiện có số dư nợ trái phiếu VAMC hơn 14.000 tỷ nhưng chúng tôi đã trích lập dự phòng hơn 7.600 tỷ đồng và chúng tôi có một quỹ số dư thu nợ là 1.900 tỷ đồng. Do đó, năm 2019, BIDV dự kiến xử lý khoảng 4.500 tỷ, trong đó thu nợ 2.500 và trích dự phòng 2.000 tỷ đồng”, ông Phan Đức Tú thông tin. 

Ông Phan Đức Tú cho hay, năm 2019, ngân hàng cũng sẽ thực hiện cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị hải ngoại nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh đóng góp vào hoạt động chung của hệ thống; trong đó đánh giá cụ thể hiệu quả từng khoản đầu tư, danh mục đầu tư để ra quyết định duy trì, tăng/giảm hay thoái vốn và tập trung thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành không hiệu quả. 

Về chính sách tín dụng, BIDV sẽ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng; kiểm soát cho vay ngoại vệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

 

 

 

Tin mới lên