Tiêu điểm

Đề xuất thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công

(VNF) - Trung tâm Nghiên cứu BIDV đưa ra khá chi tiết trong bản báo cáo "Đánh giá thực trạng nợ công Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 và đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2016 – 2020" vừa công bố.

Đề xuất thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công

Một phần lớn dư nợ công dành để trả nợ đang tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo này, 4 năm qua, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức tăng 16,7% một năm. Tới cuối năm 2015, dư nợ đã lên đến 2,6 triệu tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cuối năm 2011. Con số này tương đương 62,2% GDP vào cuối năm 2015, sát ngưỡng trần Quốc hội phê duyệt là 65%.

Nguồn vay nợ công cũng đã có sự chuyển dịch từ vay nước ngoài, bình quân 3 tỷ USD một năm, sang vay trong nước thông qua kênh phát hành trái phiếu Chính phủ kể từ khi Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình năm 2010. Tỷ trọng vay nợ trong nước đã đạt lên 57,1% vào cuối năm 2015, tăng khoảng 17,1% so với 4 năm trước.

Báo cáo cũng cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế có mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, đầu tư dàn trải, ngân sách vẫn phải dành 14-16% tỷ lệ trả nợ trong kỳ dành cho trả nợ. "Việc dành một phần lớn dư nợ công trong kỳ để trả nợ gây hạn chế đến đầu tư phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác", báo cáo viết.

Số liệu thống kê cho hay bốn năm qua nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung dài hạn/thu ngân sách Nhà nước đã tăng lên 22,3%, chỉ còn cách ngưỡng an toàn 2,7%. Nghĩa vụ trả nợ cũng tăng nhanh, từ 80.000 tỷ đồng năm 2014 lên 150.000 tỷ đồng sau một năm, trong khi khả năng gia tăng thu ngân sách giảm mạnh. Các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách.

Theo kế hoạch, riêng trong năm 2016, Chính phủ dự kiến sẽ dành 273.300 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD) để trả nợ năm nay, gồm: trả nợ trực tiếp đã bố trí trong dự toán ngân sách năm (154.000 tỷ đồng), trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại (24.000 tỷ đồng), đảo nợ (95.000 tỷ đồng)...

BIDV đề xuất thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công với chức năng giám sát các vấn đề nợ công và ngân sách... Trong thẩm quyền được giao, Bộ Tài chính tự ra quyết định về ngân sách Nhà nước, phê duyệt các khoản vay và đầu tư trên cơ sở tham khảo ý kiến của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đã được Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công chấp thuận.

Ngoài ra, BIDV cũng đề xuất cần lựa chọn một định chế tài chính có kinh nghiệm trong việc quản lý các khoản vay nước ngoài, năng lực về tài chính để có thể chịu được rủi ro không ảnh hưởng đến ngân sách.

Tin mới lên