Tiêu điểm

Đề xuất cấm xuất cảnh đối với người đang bị điều tra, có dấu hiệu tội phạm

(VNF) – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho hay thường trực Ủy ban đã đề nghị bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với những người đang bị điều tra, có dấu hiệu tội phạm vào Điều 36 dự thảo Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đề xuất cấm xuất cảnh đối với người đang bị điều tra, có dấu hiệu tội phạm

Ông Võ Trọng Việt

Ông Việt cho biết đề nghị bổ sung quy định như trên xuất phát từ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua. Cụ thể, một số đại biểu đã đề nghị bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người liên quan đến vụ án trong quá trình điều tra; người đang bị thanh tra, kiểm tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cần ngăn chặn việc trốn; người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án...

Theo ông Việt, với người liên quan đến vụ án trong quá trình điều tra mà phát hiện dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và đương nhiên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Bàn về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng Điều 36 quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh liên quan nhiều tới quyền công dân và một nhóm luật khác, đặc biệt là các luật tư pháp nên cần phải rà soát kỹ. 

“Cách đặt vấn đề đúng như quy định khá chung chung”, bà Nga nói khi nhận xét quy định hoãn xuất, nhập cảnh "người bị thanh tra, kiểm tra mà có đủ căn cứ xác định vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn việc người đó bỏ trốn".

“Ở đây có hai vế, những người vi phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thấy không có căn cứ cần ngăn chặn bỏ trốn và thứ hai là vừa vi phạm nghiêm trọng vừa thấy có căn cứ ngăn chặn bỏ trốn. Vì vậy dự luật phải làm rõ và quy định cụ thể hơn", bà Nga nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị làm rõ hơn nội dung trên. "Trường hợp nào, vi phạm gì thì không được cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh? Ai là người ra quyết định? Phải làm rõ những nội dung này vì dự Luật đang nêu quá rộng", ông Định nói và cho rằng với những vi phạm ở mức hành chính thì không nên cho vào nhóm này.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, tới đây cơ quan soạn thảo dự luật sẽ rà soát lại nội dung của Điều 36 cũng như toàn dự luật.

Ông Vương nói: "Diện tạm hoãn xuất nhập cảnh theo dự luật còn quá rộng, chưa cụ thể, rất khó cho các cơ quan thực hiện", chẳng hạn trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, cần khẩn trương ra nước ngoài chữa bệnh như ung thư, cấp cứu mà lại "nằm trong diện tạm hoãn xuất cảnh thì giải quyết thế nào?"

Cũng liên quan đến dự luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết có một số ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện nhập cảnh để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với từng loại đối tượng.

Trong đó, có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện nhập cảnh là người không có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn sinh học, không mang bệnh, mầm bệnh liên quan tới sức khỏe cộng đồng, không bị tạm hoãn xuất cảnh; người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa đủ 14 tuổi phải có người đại diện hợp pháp đi cùng; đồng thời, tham khảo các điều ước quốc tế có liên quan, các hành vi bị nghiêm cấm để bổ sung vào điều kiện nhập cảnh.

Ông Việt cũng cho hay có ý kiến đề nghị không bổ sung điều kiện nhập cảnh, vì đã xuất cảnh thì phải được nhập cảnh theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn được tạo điều kiện thuận lợi để nhập cảnh về nước và không bị hạn chế bất kỳ trường hợp nào là phù hợp với chủ trương của Đảng, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đều đã khẳng định quyền trở về nước của công dân không bị hạn chế.

Trường hợp công dân Việt Nam khi ra nước ngoài có hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật khi công dân nhập cảnh về Việt Nam.

Đối với trường hợp công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự khi nhập cảnh, nếu không có người đại diện hợp pháp đi cùng thì không thể không cho họ nhập cảnh nhằm bảo vệ công dân Việt Nam và thực tế tại các cửa khẩu, lực lượng chức năng đã phải giải quyết cho nhiều trường hợp như vậy nhập cảnh Việt Nam.

Trên cơ sở ý kiến giải trình của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các Ủy viê Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất không hạn chế quyền nhập cảnh của công dân trong bất kỳ trường hợp nào và giữ nguyên nội dung như tại Điều 34, dự thảo luật.

Tin mới lên