Tài chính

Đề nghị xóa khoản nợ thuế 10.500 tỷ cho 75 vạn người

(VNF) - Dự kiến có 758.660 người nộp thuế thuộc đối tượng xóa nợ với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là 10.562 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp,  tổ chức là 222.124 người, với số tiền là 9.658 tỷ đồng; cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh là 536.536 người, với số tiền là 904 tỷ đồng.

Đề nghị xóa khoản nợ thuế 10.500 tỷ cho 75 vạn người

758.660 người và hơn 10.500 tỷ nợ thuế khó thu được đề nghị xóa. (Ảnh minh họa)

Nợ đọng thuế còn cao

Sáng ngày 17/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Theo Tờ trình, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế.

Theo đó, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2015-2018 thu đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 14,4%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 6,7%.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ. Cơ quan thuế quản lý là 37.572 tỷ đồng, Cơ quan hải quan quản lý là 3.815 tỷ đồng.

Từ tình hình trên, để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Tờ trình của Chính phủ cũng cho biết Luật Quản lý thuế năm 2006 đã qua 3 lần bổ sung sửa đổi, tuy nhiên Luật Quản lý thuế hiện hành chưa có quy định để xử lý nợ thuế đối với người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh và thực sự không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, nên số nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại dây dưa kéo dài.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó đã có quy định để xử lý nợ cho các đối tượng này, như khoanh nợ (tại Điều 83), xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (tại Điều 85), không tính tiền chậm nộp (tại Điều 59). Các quy định này được áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 1/7/2020 trở đi, không áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2020.

Cùng với đó, việc xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những người nộp thuế có phát sinh nợ thuế, bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết Nghị quyết này quy định về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

Đối tượng áp dụng bao gồm: người nộp thuế có tiền thuế nợ thuộc đối tượng được xử lý tiền thuế nợ quy định tại Nghị quyết này; cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Nghị quyết quy định 4 nguyên tắc xử lý nợ bao gồm nguyên tắc đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục; nguyên tắc ông khai, minh bạch việc xử lý tiền thuế nợ, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân; tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế; các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Đối tượng xử lý nợ gồm 7 nhóm đối tượng: người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, chưa hoàn thành thủ tục giải thể; người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế.

Đối tượng xử lý nợ còn có: người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác; người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ nhưng chưa được thanh toán.

Theo đó, dự kiến, có 758.660 người nộp thuế thuộc đối tượng xóa nợ, với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là 10.562 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp,  tổ chức là 222.124 người, với số tiền là 9.658 tỷ đồng; cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh là 536.536 người, với số tiền là 904 tỷ đồng.

Người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự là 2.635 người, với số tiền đề nghị xóa là 174 tỷ đồng. Người nộp thuế tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định là 24.113 người với số tiền đề nghị xóa 869 tỷ đồng. Người nộp thuế mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản với số tiền đề nghị xóa là 158 tỷ đồng. Người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động là 731.696 người, với số tiền đề nghị xóa là 9.361 tỷ đồng.

Việc xóa nợ thuế nếu được thông qua sẽ thi hành kể từ ngày 1/1/2020 và được thực hiện trong thời hạn 3 năm. 

Đề nghị rà soát lại việc xóa nợ đối với đối tượng không tuân thủ quy định pháp luật

Thẩm tra sơ bộ về dự thảo, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội về cơ bản cũng nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết. Cơ quan này cũng có một số ý kiến đóng góp.

Cụ thể, về đối tượng xử lý tiền thuế nợ, tại khoản 2, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị sửa lại để đảm bảo chính xác, cụ thể: “hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh doanh nghiệp” và tại khoản 6 đề nghị bỏ “trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ”, vì việc xử lý nợ thuế tại Nghị quyết này là cho các đối tượng đã được xác định và hiện nay Chính phủ cũng chưa có quy định về các trường hợp bất khả kháng khác.

Về biện pháp xử lý nợ, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị rà soát việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với đối tượng: “Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề” tại nội dung của điểm d khoản 5 của dự thảo Nghị quyết.

Lý do được cơ quan này đưa ra là theo quy định tại Điều 211 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bao gồm: Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật Doanh nghiệp 2014; Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật Doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.

Như vậy, theo Ủy ban TCNS, về cơ bản đây là các trường hợp vi phạm pháp luật, không phải xuất phát từ các nguyên nhân khách quan; chỉ có trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế có thể được xác định là tương đồng với trường hợp người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh.

Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát lại việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung, cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì doanh nghiệp nhà nước là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp,...

Tin mới lên