Tiêu điểm

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: ‘Đã là tài sản công thì vài nghìn USD cũng phải kiểm soát chứ đừng nói 10.000 tỷ’

(VNF) – Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu như vậy khi cho ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại nghị trường hôm nay (28/5).

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: ‘Đã là tài sản công thì vài nghìn USD cũng phải kiểm soát chứ đừng nói 10.000 tỷ’

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Một trong những vấn đề của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi là nên hay không nên nới quy mô vốn đối với dự án quan trọng quốc gia.

Theo đó, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang để ngỏ 2 phương án: giữ nguyên tiêu chí hiện hành (10.000 tỷ đồng trở lên là dự án trọng điểm quốc gia) và điều chỉnh tiêu chí (nâng lên 20.000 tỷ đồng).

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng Quốc hội phải kiểm soát dự án đầu tư quan trọng quốc gia ở mức 10.000 tỷ đồng.

“Lý do để chúng ta làm điều đó là vấn đề kiểm soát nợ công và thâm hụt ngân sách càng ngày càng quan trọng. Đã đụng tới tài sản công, ngân sách nhà nước thì ở nhiều quốc gia thì vài nghìn, vài chục nghìn, vài triệu USD cũng là cực kỳ quan trọng, phải kiểm soát chặt chẽ chứ đừng nói là 10.000 tỷ”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa dẫn ví dụ: “Khi Tổng thống Mỹ quyết định giải cứu ngân hàng trong thời kỳ bị khủng hoảng, ông nói rằng khi đã dùng tiền ngân sách để giải cứu thì ‘tôi bảo đảm bảo rằng đồng bào có thể kiểm tra từng đồng đôla của gói giải cứu xem đó xem nó được sử dụng như thế nào’.

“Chúng ta phải tăng cường kiểm soát tài sản công và đầu tư công đi theo hướng này, đó là một hướng tiến bộ và hết sức cần thiết. Do đó, chúng tôi ủng hộ việc giữ nguyên như thế, tức là 10.000 tỷ và Quốc hội cũng phải kiểm soát luôn danh mục đầu tư công”, ông Nghĩa đề nghị.

Cùng chung quan điểm với ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng không nên điều chỉnh quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia.

“Việc lý giải mức vốn 10.000 tỷ hiện nay là bất cập sau đó tính đến trượt giá, tăng trưởng, dự báo cho tương lai để lên 20.000 tỷ là không thuyết phục”.

“Quốc hội khóa XIII, khóa XIV chỉ có hai dự án trình Quốc hội. Một quốc gia đang phát triển mà một năm có hai dự án là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ có thể sẽ không còn dự án nào trình Quốc hội. Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà Quốc hội không điều chỉnh dự án nào là bất hợp lý”, ông Hàm nói.

Tuy vậy, trong Quốc hội cũng có ý kiến đồng tình với đề xuất xin nới quy mô vốn. Đơn cử, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng việc điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn biến động giá cả và quy mô dự án là cần thiết.

“Sau 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 15%, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế GDP bình quân giai đoạn 2014-2018 đã tăng khoảng 6,55%/năm. So với thời điểm năm 2014, GDP 2018 tăng trưởng 37%. Quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn. Tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá khoảng 52%, do đó có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên 1,5 lần mức quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành.

“Tuy nhiên để đảm bảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi thông qua sẽ được áp dụng dài hạn, đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành khoảng 20.000 tỷ đồng. Tương tự với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị tăng gấp 2 lần so với mức quy định hiện hành thể hiện tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 của dự thảo luật mới”, đại biểu Thịnh nói.

Tin mới lên