Diễn đàn VNF

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Vietnam Airlines phải làm anh cả dẫn dắt đàn em đi theo'

(VNF) - “Mặc dù tôi thông cảm nhưng tôi không đồng tình với việc chậm chuyến, huỷ chuyến. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tôi đề nghị cần phải xử lý rất nặng”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Vietnam Airlines phải làm anh cả dẫn dắt đàn em đi theo'

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Bên lề toạ đàm “Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã có những chia sẻ với báo giới về những vấn đề liên quan tới ngành hàng không Việt Nam hiện nay.

- Ông đánh giá thế nào về tình hình cạnh tranh "không lành mạnh” của ngành hàng không hiện nay?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Nếu nói có lành mạnh hay không thì đây là một câu hỏi rất dài, cần có một sự đánh giá đầy đủ, khách quan hơn. Cá nhân tôi cho rằng hàng không Việt Nam đang ở trong giai đoạn bắt đầu phát triển, có thể nói vẫn còn sơ khai. Do đó chúng ta cần khắc phục và phát triển thêm.

Về vấn đề lành mạnh hay không thì điều đó phụ thuộc vào nhiều tiêu chuẩn. Chúng ta cần xem xét, đánh giá trên các tiêu chuẩn như thế nào là lành mạnh và như thế nào là không lành mạnh, ai là người không lành mạnh, ai là người lành mạnh. Câu hỏi này tôi nhường lại cho tất cả các nhà quản lý.

Tôi đề nghị báo chí cũng nên có một quan điểm riêng của mình, để giúp cho những người làm chính sách, làm luật như chúng tôi để chúng tôi có thể tham khảo. 

- Về góc độ chính sách thì sao, thưa ông?

Nói về chính sách pháp luật thì hiện nay chúng ta đang bảo đảm được tính “bình đẳng”. Hiến pháp đảm bảo quyền tự do kinh doanh, không ai bị hạn chế, tiếp đến là quyền tự do công dân, quyền con người.

Về mặt bằng luật, chúng ta có luật công ty, luật doanh nghiệp, hệ thống luật cạnh tranh, luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy là chúng ta có tất cả các hệ thống luật về đảm bảo quyền cho kinh doanh được tự do và bình đẳng, bảo đảm cho tất cả các doanh nghiệp đều phát triển.

Gần đây nhất, Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực. Có nghĩa là chúng ta bắt đầu không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Nếu pháp luật đã như thế thì chúng ta không nên coi trọng “anh này là con đẻ, anh kia là con nuôi”.

Dần dần về mặt xu hướng, chúng ta phải xã hội hoá các hoạt động kinh tế. Việc đầu tiên chính là thái độ, cái quan trọng nhất chính là thái độ. Anh phải nhận thức được một cách chính xác và cách đúng đắn, một cách sâu sắc về quan điểm của Đảng, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là vấn đề hợp tác quốc tế.

Vấn đề thứ hai là cần phải cải cách các thủ tục hành chính để đảm bảo cho môi trường kinh doanh chung và môi trường kinh doanh hàng không được phát triển.

Tôi đã nói rồi, hàng không là kết quả của các hoạt động khác của xã hội, nó không thể tự thân được. Nếu hàng không phát triển, nó sẽ giúp cho nền kinh tế xã hội phát triển. Như vậy cần phải nhìn nhận ở khía cạnh đó.

Vấn đề thứ ba là Chính phủ phải làm sao để đúng vai trò là một người cầm hoà, là người có thể cầm phanh hãm và đừng bao giờ cho phép các doanh nghiệp biến môi trường kinh doanh thành một bãi chiến trường. Bởi như vậy thì tất cả đều chết và thiệt hại. Chính phủ làm sao đó phải như là một ông nhạc trưởng, để tạo nên một bước nhảy hoàn hảo, như thế thì tất cả cùng có lợi, cùng win-win.

Còn nếu chúng ta để cho các tổ chức cá nhân, các chủ thể kinh doanh tìm cách tiêu diệt lẫn nhau, tạo các biện pháp để ngăn chặn nhau, hay tìm cách xâm hại tới lợi ích của các khách hàng xã hội thì không ổn.

Tôi cho rằng tất cả các cơ quan của chính phủ, tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành ở địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt là Vietnam Airlines phải đóng vai trò nòng cốt, làm một anh cả dẫn dắt đàn em mình đi theo, để lấp vào những chỗ trống mà mình không thể làm được. Tôi nghĩ điều đó là rất tốt.

- Việc các hãng hàng không thường xuyên xảy ra chậm chuyến và huỷ chuyến, ông có quan điểm như thế nào?

Đây là một vấn đề có thể nói là bình thường trong lĩnh vực hàng không, không chỉ riêng nước ta mà còn ở trên thế giới.

Không phải tự nhiên hôm nay đang tốt, ngày mai xảy ra chậm chuyến, huỷ chuyến, tôi nghĩ đây là vấn đề bình thường. Bản thân tôi và đồng nghiệp của tôi cũng phải chấp nhận hàng tiếng đồng hồ, thậm chí đã ngồi trên máy bay rất lâu.

Chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan rằng đây không phải là hạnh kiểm của hàng không. Còn nếu là hạnh kiểm thì tôi sẽ là người lên án đầu tiên. Đây là do điều kiện tức thời, ở thởi điểm đó và với tình trạng đó.

Mặc dù tôi thông cảm nhưng tôi không đồng tình với việc chậm chuyến, huỷ chuyến. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tôi đề nghị là cần phải xử lý rất nặng.

Các hãng hàng không phải cố gắng làm sao không nên để xảy ra tình trạng đó, tránh làm mất đi uy tín đối với khách hàng (ở đây chưa nói đến uy tín nhà nước, uy tín nhà nước nó ghê gớm lắm), bởi uy tín đối với khách hàng là rất quan trọng.

Nếu anh không xây dựng được uy tín của mình, hạnh kiểm tốt thì người khác có quyền lựa chọn các hãng khác để đi. Và nếu các hãng khác không lựa chọn được thì hãy nhớ rằng có thể chuyển sang các phương tiện khác. Bởi vì sắp tới, giao thông của chúng ta sẽ có nhiều thay đổi.

Chúng tôi rất mong muốn giao thông sẽ có nhiều thay đổi mới, bởi đó chính là động mạch của đất nước, tạo ra một mạch máu cho sự phát triển. Giao thông đến đâu thì máu đến để nuôi tế bào kinh tế xã hội đến đó.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm: Ông Đặng Tất Thắng: 'Chúng tôi sẵn sàng làm cảng hàng không riêng như Sun Group'

Tin mới lên