Ngân hàng

Đầu năm, tổng vốn tự có của các ngân hàng tư nhân 'bốc hơi' hơn 8.000 tỷ đồng

(VNF) - Tổng vốn tự có của nhóm ngân hàng tư nhân (đã loại bỏ ngân hàng có vốn tự có âm) tính đến hết tháng 1/2019 là 330.007 tỷ đồng, giảm 2,42% sau một tháng, tương đương mức giảm tới 8.176 tỷ đồng.

Đầu năm, tổng vốn tự có của các ngân hàng tư nhân 'bốc hơi' hơn 8.000 tỷ đồng

Đầu năm, tổng vốn tự có của các ngân hàng tư nhân 'bốc hơi' hơn 8.000 tỷ đồng

Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 31/1/2019, vốn tự có toàn hệ thống ngân hàng đạt 800.633 tỷ đồng, giảm 0,69% sau một tháng, tương đương giảm 5.523 tỷ đồng.

Sự suy giảm vốn tự có bất ngờ này xuất phát từ nhóm ngân hàng tư nhân. Cụ thể, tổng vốn tự có của nhóm ngân hàng tư nhân (đã loại bỏ ngân hàng có vốn tự có âm) tính đến hết tháng 1/2019 là 330.007 tỷ đồng, giảm 2,42% so với số đầu năm, tương đương mức giảm tới 8.176 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vốn tự có của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài ở mức 161.633 tỷ đồng, giảm 0,76% sau một tháng, tương đương giảm 1.231 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, GPBank, CBBank và OceanBank), tổng vốn tự có đến hết tháng 1/2019 là 271.472 tỷ đồng, tăng 1,07%, tương đương tăng 2.873 tỷ đồng. Còn lại, nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính ghi nhận 33.575 vốn tự có, tăng 3,1%; ngân hàng hợp tác xã ghi nhận 3.946 tỷ đồng vốn tự có, giữ nguyên so với một tháng trước.

Việc vốn tự có của các ngân hàng "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng đầu năm là hiện tượng không phải hiếm. Hồi năm 2018, tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại đã "bốc hơi" hơn 10.000 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên khác với năm nay, đối tượng "bốc hơi" vốn tự có nhiều nhất hồi đó là các ngân hàng quốc doanh với 7.500 tỷ đồng, kế đến là các ngân hàng tư nhân với 2.600 tỷ đồng.

Trả cổ tức có thể là nguyên nhân khiến vốn tự có sụt giảm, nhưng cũng không loại trừ trường hợp các ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng trong 2 tháng đầu năm và sau đó, điều chỉnh lượng trích lập trong tháng thứ 3 để chốt lại cả quý I, lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng như dự kiến.

Trở lại với số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 31/1/2019, tổng tài sản hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 0,57% sau một tháng.

Nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục giữ tỷ trọng lớn nhất với 44%, tương đương tổng tài sản 4,87 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng tài sản của nhóm ngân hàng tư nhân là 4,59 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% và chiếm trên 41% tổng tài sản hệ thống.

Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài ghi nhận tổng tài sản trên 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 2,15%; nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính ghi nhận 169.621 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 1,07%. Cùng với đó, tổng tài sản của ngân hàng hợp tác xã là 33.231 tỷ đồng, tăng 2,47%; nhóm quỹ tín dụng nhân dân là 112.149 tỷ đồng, giảm 0,9%. Ngân hàng Chính sách xã hội ghi nhận tổng tài sản 194.808 tỷ đồng, giảm 0,54%.

Vẫn theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục giữ ở mức khá thấp 9,31%, chỉ nhỉnh hơn một chút so với quy định 9%. Trong khi đó, CAR của nhóm ngân hàng tư nhân là 10,56%.

Đối với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cả 2 nhóm ngân hàng trên đều đã đưa về dưới mức 40% theo đúng quy định, đạt 31,56% với nhóm ngân hàng quốc doanh và 32,94% với nhóm ngân hàng tư nhân.

Tin mới lên