Ngân hàng

Đâu là vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm của VAMC và các TCTD?

(VNF) – NHNN vừa chỉ ra 7 khó khăn, vướng mắc cơ bản trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu của VAMC và các tổ chức tín dụng, theo một dự thảo báo cáo mới đây của cơ quan này.

Đâu là vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm của VAMC và các TCTD?

Quá trình xử lý tài sản bảo đảm của VAMC còn gặp nhiều vướng mắc pháp lý

Theo thống kê từ phía NHNN, tính đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46% (giảm so với mức 2,55% vào cuối năm 2015). Tuy nhiên, nợ còn phải xử lý tại VAMC vẫn rất lớn, lên đến 190.000 tỷ đồng tính đến hết ngày 31/12/2016.  Nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 cũng ở mức rất cao, khoảng 58.998 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/09/2016.

Trong một dự thảo báo cáo mới đây của NHNN, cơ quan này đã chỉ ra 7 khó khăn, vướng mắc cơ bản trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu của VAMC và tổ chức tín dụng (TCTD).

Vướng mắc đầu tiên là về quyền thu giữ tài sản. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, BLDS 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. NHNN đánh giá, điều này sẽ gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý TSBĐ của VAMC cũng như các TCTD, đặc biệt là nếu như các chủ tài sản cố tình kiện ra tòa để kéo dài thời gian xử lý.

Trước khi có quy định mới trong BLDS 2015, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD vẫn được duy trì theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm.

Vướng mắc thứ hai liên quan đến quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Thực tế hiện nay, trong quá trình VAMC xử lý nợ, nếu khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì VAMC cũng không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, vì đối tượng được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, theo Luật Đất Đai 2013, chỉ có thể là các TCTD.

Điều này cũng có nghĩa là, khi VMAC bán lại nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là các cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thì các cá nhân, tổ chức này cũng không được nhận thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất.

Vướng mắc tiếp theo, là về quyền xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, dự án bất động sản chỉ được chuyển nhượng khi dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt.

Thêm nữa, theo Khoản 2 Điều 49, điều kiện chuyển nhượng bất động sản là chủ đầu tư chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.

Theo đánh giá từ NHNN, hiện tại, rất nhiều khoản nợ xấu đã bán cho VAMC có TSBĐ là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai là các dự án bất động sản chưa hoàn thành "công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt" hoặc chủ đầu tư chưa có đủ giấy chứng nhận "QSDĐ đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng".

Xử lý tài sản bảo đảm

Xử lý tài sản bảo đảm hiện còn nhiều vướng mắc trong vấn đề pháp lý

Vướng mắc thứ tư là ở chi phí thi hành án. Luật thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định ưu tiên chi trả một loạt khoản phí liên quan đến thi hành án vào số tiền thu được từ bán tài sản bảo đảm.

NHNN đánh giá, trong nhiều trường hợp, chủ nợ khó có thể thu hồi đủ giá trị khoản nợ, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên được thi hành án. Do đó, NHNN đề xuất cần có quy định riêng đối với VAMC, TCTD theo hướng số tiền thu được từ việc bán TSBĐ phải ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm, trước khi trừ các chi phí về thi hành án.

Vướng mắc thứ năm là quy định về phí thi hành án. Theo quy định, bản thân người phải thi hành án cũng phải nộp phí thi hành án. Theo NHNN, điều này đang vô tình khuyến khích người phải thi hành án chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, kéo dài thời gian thi hành án.

Vấn đề kê biên tài sản bảo đảm hiện cũng đang là vướng mắc lớn đối với tiến trình xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu.

Luật thi hành án dân sự 2008 cho phép chấp hành viên kê biên cả tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án đang thế chấp/cầm cố tại TCTD đảm bảo cho khoản vay. NHNN đánh giá, quy định này ảnh hưởng lớn đến quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm, gia tăng nợ xấu của hệ thống TCTD, đặc biệt trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay hoặc là nguồn thu nhập chính để trả nợ cho TCTD.

Theo đó, NHNN đề xuất bổ sung quy định không thực hiện kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án khi chưa đến hạn trả nợ vay được bảo đảm

Vướng mắc thứ bảy, theo NHNN, là về vấn đề thuế trong xử lý tài sản đảm bảo. Hiện nay, các cơ quan thuế thường yêu cầu trích từ số tiền bán TSBĐ để thanh toán tiền thuế trước khi thanh toán cho bên bảo đảm thì mới xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế để TCTD thực hiện thủ tục sang tên. Thực tế, nhiều trường hợp số tiền bán TSBĐ không đủ thu hồi nợ cho TCTD nhưng vẫn phải nộp thuế.

Với lý do trên, NHNN đề xuất cần bổ sung quy định miễn thuế thu nhập đối với tổ chức, cá nhân có TSBĐ bị xử lý theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm hoặc sửa đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho VAMC/TCTD trước khi thu các loại thuế khác của tổ chức, cá nhân có TSBĐ bị xử lý hoặc chỉ thu thuế tính trên số tiền chênh lệch cao hơn giá trị khoản nợ xấu cần thu hồi.

Tin mới lên