Đằng sau lợi nhuận kỷ lục của ngân hàng VIB

Minh Tâm - 16/07/2019 16:16
(VNF) - Vài năm trở lại đây, VIB đã tiến hành chuyển đổi sâu về mặt chiến lược với việc tập trung phát triển mảng khách hàng cá nhân, trong đó trọng tâm là cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô. Cùng với đó, mảng bancassurance và mảng dịch vụ thanh toán cũng được ngân hàng này đẩy mạnh.
1
Đằng sau lợi nhuận kỷ lục của ngân hàng VIB

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2019, nửa đầu năm, VIB ghi nhận 1.820 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức lợi nhuận bán niên cao nhất từ trước tới nay của ngân hàng này.

Tín dụng và Dịch vụ là hai mảng chính đem về lợi nhuận cho VIB. Nửa đầu năm, mảng tín dụng đem về cho VIB 2.917 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 29%; trong khi đó, mảng dịch vụ đem về 764 tỷ đồng lãi thuần, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng trưởng ấn tượng này tiếp nối những thành quả khả quan mà ngân hàng này đạt được trong năm 2018, khi lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức tăng tới 95% lên 2.742 tỷ đồng nhờ thu nhập lãi thuần từ mảng tín dụng tăng 40% và lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng 80%.

Thành quả này tới từ đâu?

Vài năm trở lại đây, VIB đã tiến hành chuyển đổi sâu về mặt chiến lược với việc tập trung phát triển mảng khách hàng cá nhân, trong đó trọng tâm là cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô.

Về số tương đối, dư nợ cho vay mua nhà của VIB đã tăng tới 96% trong năm 2017, tăng 45% trong năm 2018 và tăng 19% trong nửa đầu năm 2019. Trong khi đó, dư nợ cho vay mua ô tô tăng tới 161% trong năm 2017, tăng 59% trong năm 2018 và tăng 23% trong nửa đầu năm 2019.

VIB hiện là ngân hàng có thị phần cho vay ô tô số 1 trong hệ thống ngân hàng.

Đây là động lực chủ yếu đưa VIB lên vị thế dẫn đầu thị trường về tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân. Năm 2017, tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng này lên đến 79%, giúp nâng tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân trên tổng dư nợ cho vay lên mức 63,5% (từ mức 47,1% của năm 2016).

Năm 2018, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân của VIB đạt mức 40%, giúp nâng tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân lên mức 74%. Con số này trong nửa đầu năm 2019 lần lượt là 22% và 75,5%.

Đằng sau lợi nhuận kỷ lục của ngân hàng VIB

Tình hình tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của VIB giai đoạn 2016 - nửa đầu 2019. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của VIB

VIB không tiết lộ số tuyệt đối về dư nợ cho vay mua nhà và dư nợ cho vay mua ô tô, tuy nhiên, một báo cáo nhận định của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) công bố hồi tháng 2/2018 cho biết năm 2017, dư nợ cho vay mua nhà chiếm 50% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, dư nợ cho vay mua ô tô chiếm 40%, còn lại 10% là cho vay cá nhân/hộ gia đình khác.

Điều này đồng nghĩa năm 2017, dư nợ cho vay mua nhà và mua ô tô chiếm đến 90% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của VIB (theo số liệu của HSC) và chiếm 57,8% tổng dư nợ cho vay (tính toán từ số liệu của HSC). Con số của năm 2018 chắc chắn lớn hơn bởi tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô rất cao (lần lượt là 45% và 59%, cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và tăng trưởng tổng dư nợ cho vay).

Một báo cáo khác của Công ty Chứng khoán SSI công bố hồi tháng 3/2019 đưa ra số liệu có phần khác. Theo SSI, năm 2017, dư nợ cho vay mua nhà và mua ô tô của VIB chiếm 49% tổng dư nợ cho vay (đồng nghĩa chiếm 77% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân).

Năm 2018, dư nợ cho vay mua nhà và mua ô tô chiếm 61,5% tổng dư nợ cho vay (đồng nghĩa chiếm 83% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân).

Mặc dù số liệu có phần khác nhau nhưng tựu chung tại VIB, năm 2018, ước tính dư nợ cho vay mua nhà và mua ô tô chiếm trên 80% dư nợ khách hàng cá nhân và chiếm trên 50% tổng dư nợ cho vay, cho thấy mảng tín dụng của ngân hàng này hiện phụ thuộc rất lớn vào phân khúc cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô. Lợi nhuận cũng từ 2 phân khúc này mà ra.

Đối với mảng dịch vụ, tại VIB, phần lớn lãi thuần đến từ mảng bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), kế đó là mảng dịch vụ thanh toán.

Nếu như năm 2017, mảng bancassurance chỉ đem về cho VIB 79 tỷ đồng phí hoa hồng bảo hiểm thì năm 2018, con số này tăng lên 239 tỷ đồng (đóng góp tới 76% doanh số mảng bancassurance của Prudential).

Riêng nửa đầu năm 2019, mức phí hoa hồng bảo hiểm VIB thu về đã là 436 tỷ đồng, gấp 5,3 lần mức thực hiện cùng kỳ năm 2018, thậm chí còn cao gần gấp đôi mức thực hiện của cả năm 2018.

Dịch vụ thanh toán cũng bắt đầu đem về nguồn lợi đáng kể cho VIB từ năm 2018 với thu nhập 335 tỷ đồng, gấp rưỡi năm 2017. Nửa đầu năm 2019, thu từ dịch vụ thanh toán của ngân hàng này tiếp tục tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 70% mức thực hiện của cả năm 2018, đạt 235 tỷ đồng.

Sự khởi sắc rõ rệt trong mảng dịch vụ thanh toán của VIB không lạ, bởi vài năm trở lại đây, ngân hàng này đầu tư khá bài bản vào các giải pháp thanh toán, đặc biệt là phân khúc thẻ tín dụng.

Theo số liệu từ VIB, năm 2018, lượng thẻ phát hành mới của ngân hàng này đã tăng tới 75% so với năm 2017. VIB cũng đứng đầu về số tiền chi tiêu thẻ tín dụng trên mỗi người dùng (chi tiêu thẻ tín dụng/người dùng đã tăng 200% trong năm 2018). Tổng chi tiêu thẻ đã tăng 300% cũng trong năm vừa qua. Riêng tháng 12/2018 đạt kỷ lục 1.000 tỷ đồng/tháng. Tỷ lệ thẻ hoạt động của VIB cũng ở mức cao, 65% so với mức bình quân ngành là 36%.

Mặc dù triển vọng tương lai vẫn khá tốt, tuy nhiên đà tăng lợi nhuận của VIB đã chậm lại và nhiều khả năng sẽ tiếp tục chậm lại bởi tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô cũng đang chậm lại rõ rệt.

Điều này là cần thiết bởi xử lý nợ xấu liên quan đến cho vay mua ô tô không hề đơn giản do rất thường xảy ra trường hợp "một xe cầm cố nhiều nơi", nên cần có sự cẩn trọng nhiều hơn sau một thời gian mở rộng nhanh chóng tệp khách hàng. Bên cạnh đó, phân khúc cho vay mua nhà sổ hồng sổ đỏ - phân khúc khá an toàn mà VIB lựa chọn - khó mà tăng trưởng "nóng" trong thời gian dài. Nếu mở rộng quá nhiều sang phân khúc cho vay mua nhà dự án, rủi ro sẽ không dễ kiểm soát.

Dù vậy, không doanh nghiệp nào ngồi yên trước những sự thay đổi. VIB chắc chắn sẽ có những bước đi mới tiếp nối mà trước mắt, triển vọng lớn đang dành cho mảng dịch vụ thanh toán và xa hơn là ngân hàng số.

Xét về tình hình tài chính của VIB, có một điểm khó lạc quan là việc tỷ trọng dư nợ cho vay trung và dài hạn trên tổng dư nợ cho vay rất cao, lên tới 82%, trong khi đa phần các ngân hàng ở dưới mức 65%. Về nguyên tắc, cho vay với kỳ hạn càng dài càng rủi ro, không chỉ bởi thời gian càng dài càng dễ hứng chịu nhiều rủi ro mà còn có thể xảy ra rủi ro lệch hạn.

Thông tin từ VIB cho biết đến hết năm 2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân hàng này ở mức 36,5% nhờ đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá và huy động từ các tổ chức tín dụng khác với kỳ hạn trên 1 năm. Tuy nhiên, tính kém bền vững của cách làm này là một lo ngại.

Thêm vào đó, năm 2021 hoặc năm 2022 (theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa sẽ giảm xuống chỉ còn 30%. Đây sẽ là áp lực không nhỏ với VIB, có thể khiến ngân hàng này buộc phải hy sinh một phần lớn nhuận để đưa tỷ lệ này về mức quy định.

Quảng cáo