Tài chính quốc tế

Đàm phán bất thành, Mỹ quyết rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga trong tháng 2

(VNF) - Sau khi cuộc đàm phán giữa phái đoàn của Nga và Mỹ nhằm cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đổ vỡ, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF ngay trong tháng 2.

Đàm phán bất thành, Mỹ quyết rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga trong tháng 2

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.

Phát biểu trước giới chức NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 16/1, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí Andrea Thompson tuyên bố Washington sẽ chính thức gửi thông báo về quyết định rút khỏi hiệp ước INF từ ngày 2/2 tới đây.

“Từ nay đến thời điểm đó, Mỹ không có kế hoạch tiến hành các cuộc đàm phán nào khác về INF”, vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Theo bà Thompson, Nga đã vi phạm hiệp ước, và tên lửa 9M729 của Nga không tuân thủ theo các điều khoản trong thỏa thuận. Mỹ đã đề nghị Nga công khai minh bạch những thông tin liên quan đến chương trình phát triển tên lửa 9M729 suốt hơn 5 năm qua.

Bà nhấn mạnh rằng việc cho phép thanh sát là chưa đủ, Mỹ muốn Nga phải phá hủy hệ thống 9M729.

Trước đó, sau cuộc gặp tại Geneva giữa các quan chức Nga và Mỹ tại Geneve (Thụy Sĩ) ngày 15/1, bà Thompson nói rằng Moscow đã từ chối cho phép kiểm tra kỹ càng hệ thống 9M729.

"Dựa vào những thảo luận hôm qua và cách phản ứng hôm nay, chúng tôi nhận thấy Nga không có ý định quay lại tuân thủ hiệp ước", bà Thompson nhấn mạnh.

Trong khi đó, phái đoàn Nga tại Geneva cáo buộc Mỹ làm trầm trọng tình hình. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov nói với các phóng viên rằng Nga vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt hiệp ước INF.

Theo ông Ryabkov, hai bên đã không thể nhất trí về bất kỳ vấn đề nào và Washinton dường như không có ý định tiến hành thêm các cuộc đàm phán.

Hiệp ước INF, được ký kết năm 1987, là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo đó, Liên Xô và Mỹ thống nhất loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường, bệ phóng trên mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn), 1.000-5.500 km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10/2018 tuyên bố rút khỏi INF, cho rằng Nga liên tục vi phạm thỏa thuận này bằng việc phát triển tổ hợp tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn tới 5.000 km.

Tới ngày 4/12/2018, Mỹ tiếp tục tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, Moscow khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Xem thêm >> Ba Lan bắt cựu nhân viên an ninh vì làm gián điệp cho Trung Quốc

Tin mới lên