Tài chính quốc tế

Đại sứ Nga vạch trần ‘âm mưu’ của Mỹ khi quyết tâm rút hỏi hiệp ước hạt nhân

(VNF) - Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng việc Washington nhất quyết rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là để loại bỏ ràng buộc gây cản trở việc phát triển các loại tên lửa mới.

Đại sứ Nga vạch trần ‘âm mưu’ của Mỹ khi quyết tâm rút hỏi hiệp ước hạt nhân

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov.

Theo ông Antonov, hiệp ước INF là nhằm đảm bảo an ninh cho châu Âu và Nga, không phải Mỹ. Chính vì thế, Washington không muốn duy trì thỏa thuận vì cho rằng các điều khoản của INF làm suy yếu sức mạnh quân sự của Mỹ.

"Nếu Mỹ quyết định triển khai tên lửa mới đến châu Âu, thì đó sẽ là cuộc khủng hoảng an ninh đối với các quốc gia ở châu lục này”, vị đại sứ phát biểu trong buổi phỏng vấn với hãng thông tấn RT của Nga.

Trong thông điệp liên bang tại quốc hội ngày 5/2, Tổng thống Donald Trump cũng đã tuyên bố Mỹ sẽ chi nhiều tiền hơn Nga để phát triển tên lửa mà không cần đạt thỏa thuận quốc tế mới sau khi Washington rút khỏi hiệp ước INF.

Trước đó, ông Trump ngày 1/2 cho biết: “Mỹ sẽ ngưng mọi nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước bằng cách phá hủy mọi tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan”.

Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng tới và nếu Moscow không tuân thủ, hiệp ước sẽ chấm dứt.

Bên cạnh việc đổ lỗi cho Nga vi phạm hiệp ước, giới chức Mỹ còn cho rằng INF hiện nay không bao gồm Trung Quốc, và nhờ không bị hạn chế bởi hiệp ước nên trong nhiều năm gần đây Bắc Kinh thoải mái tăng cường phát triển tên lửa tầm trung.

Tới ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này cũng quyết định ngừng tuân thủ hiệp ước INF nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết nước này sẽ bắt tay vào việc chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.

Hiệp ước INF, được ký kết năm 1987, là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo đó, Liên Xô và Mỹ thống nhất loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường, bệ phóng trên mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn), 1.000-5.500 km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển.

Xe phóng đạn thuộc tổ hợp tên lửa 9M729.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10/2018 tuyên bố rút khỏi INF, cho rằng Nga liên tục vi phạm thỏa thuận này bằng việc phát triển tổ hợp tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn tới 5.000 km.

Tới ngày 4/12/2018, Mỹ tiếp tục tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, Moscow khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Xem thêm >> Khủng hoảng Venezuela: Ông Maduro ‘bạo tay’ mua vũ khí tối tân cho quân đội

Tin mới lên