Bất động sản

Đại gia Lê Văn Vọng: Từ chủ chuỗi nhà hàng đình đám đến ‘ông trùm’ loạt dự án trên ‘đất vàng’ Hà Nội

(VNF) - Đại gia Lê Văn Vọng khá nổi tiếng ở Hà Nội với chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Lã Vọng, đồng thời ông cũng được biết đến khi sở hữu nhiều khu “đất vàng” lớn tại Hà Nội nhưng đều vướng lùm xùm trong việc giao và sử dụng đất.

Đại gia Lê Văn Vọng: Từ chủ chuỗi nhà hàng đình đám đến ‘ông trùm’ loạt dự án trên ‘đất vàng’ Hà Nội

Chuỗi nhà hàng của đại gia Lê Văn Vọng

Như VietnamFinance đã thông tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo về việc thanh tra các dự án của Tập đoàn Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Yêu cầu được đưa ra sau khi có thông tin doanh nghiệp này được ưu ái giao nhiều khu “đất vàng” để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan.

Việc Tập đoàn Lã Vọng dính tai tiếng tại hàng loạt dự án vàng Hà Nội đã khiến dư luận tò mò về tiềm lực thật sự của doanh nghiệp này.

Đại gia Lê Văn Vọng là ai?

Ông Lê Văn Vọng tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Hà Nội và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Preston - Hoa Kỳ. Mặc dù lại đại gia có tên tuổi tại Hà Nội nhưng thông tin về đời tư của vị đại gia này không được chia sẻ nhiều.

Ông được biết đến với chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Lã Vọng như: nhà hàng Buffet hải sản Lã Vọng và nhà hàng Sashimi BBQ Garden; nhà hàng Hầm Lã Vọng (cùng ở Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa Nhân Chính, Quận Cầu Giấy, Hà Nội); nhà hàng Lã Vọng – Thế giới Bia (số 169 Hoàng Ngân, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội); nhà hàng hải sản Lã Vọng - Bán đảo Hoàng Cầu hay Nhà hàng Lã Vọng – Lẩu Cua Đồng (Quốc lộ 21, Cầu Vai Réo, Thị trấn Quốc Oai, Quốc Oai, Hà Nội).

Chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Lã Vọng.

Năng lực Tập đoàn Lã Vọng

Công ty Cổ phần Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng) được thành lập năm 2003 do ông Lê Văn Vọng làm Tổng giám đốc.

Tập đoàn này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Lê Văn Hải (100 tỷ đồng); bà Đặng Thị Như Trang (100 tỷ đồng) và ông Lê Văn Vọng (300 tỷ đồng).

Khi mới thành lập, Tập đoàn Lã Vọng chủ yếu cung cấp các dịch vụ thương mại về ăn uống, giải trí với hệ thống các quán cafe và nhà hàng ăn uống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Đại gia Lê Văn Vọng (cầm micro).

Năm 2008, vào thời điểm thị trường bất động sản sôi động, Tập đoàn Lã Vọng bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực này. Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới của Lã Vọng được lập ra để phát triển dự án khu đô thị Ngôi nhà mới ở Quốc Oai.

Năm 2017, tập đoàn này thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Louis Group (Louis Group) chuyên về mảng văn phòng, căn hộ và trung tâm thương mại cao cấp.

Louis Group do ông Lê Văn Vọng là người đại diện pháp luật. Địa chỉ trụ sở chính tại sàn 5B, tầng 5, tòa nhà 25T2, Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đây cũng là địa chỉ trụ sở chính của Tập đoàn Lã Vọng. Ông Lê Văn Vọng đồng thời là người đại diện pháp luật, cổ đông sáng lập của Tập đoàn này.

Louis Group có vốn điều lệ 675 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập: Sông Đà Hà Nội (5%); Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty TNHH MTV (20%); Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới (45%) và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An (30%).

Đến tháng 7, cơ cấu cổ đông của Louis Group có sự thay đổi lớn khi Sông Đà Hà Nội và UDIC rút bớt vốn tại đây. Cụ thể, số vốn góp của Sông Đà Hà Nội chỉ còn 1 tỷ đồng (0,15%) và UDIC là 67,5 tỷ đồng (10%).

Gần 90% cổ phần còn lại nằm trong tay Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An.

Hàng loạt dự án của đại gia Lê Văn Vọng dính tai tiếng

Về lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Lã Vọng vẫn đang nắm trong tay hàng loạt dự án “đất vàng” tại Hà Nội, tuy nhiên nhiều dự án này đều vướng lùm xùm trong việc giao và sử dụng đất, chậm tiến độ hoặc đắp chiếu.

Dự án Ngôi nhà mới là dự án đầu tay của Tập đoàn Lã Vọng.

Điển hình như, dự án đầu tay của Tập đoàn Lã Vọng là dự án Ngôi nhà mới. Theo kế hoạch, dự án khởi công năm 2009, quy mô 27,5ha, gồm 258 lô biệt thự đơn lập và song lập với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nằm tại Km17 thuộc địa bàn huyện Quốc Oai.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, bên cạnh một số ngôi nhà đã xây thô nhưng không có người ở thì còn rất nhiều lô xây dang dở hoặc bỏ không. Các hạng mục chính của dự án như đường nội bộ, hồ nước, vườn cây... đều chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, một số lô đất tại dự án này từng được chủ đầu tư treo biển rao bán với giá 8 - 10 triệu đồng/m2, đến nay vẫn chưa bán hết hàng.

Hay như khu đô thị Louis City Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) có diện tích lên tới 30,5 ha, với gần 600 căn liền kề, 28 căn biệt thự, 2.000 căn chung cư cao cấp. Hiện các lô liền kề, biệt thự đang được rao bán với giá 40 – 90 triệu đồng/m2.

Dự án này được khởi công từ tháng 9/2016, là dự án mà tập đoàn này được sở hữu thông qua việc thực hiện hợp đồng dự án BT dưới dạng chỉ định thầu. Bằng việc cải tạo hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình ở quận Long Biên, doanh nghiệp đã được giao gần 10ha đất.

Phối cảnh dự án New House Xa La của Tập đoàn Lã Vọng.

Tập đoàn Lã Vọng cũng là chủ đầu tư của dự án chung cư New House Xa La (Hà Đông). Dự án khởi công quý 4/2015 có 21 tầng bao gồm tầng kĩ thuật + tầng mái tum và 1 tầng hầm, được xây dựng trên diện tích 967.74m2, với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.

Đây là dự án kết hợp giữa Công ty Cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới (thuộc Tập đoàn Lã Vọng) và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ - một doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ về thủy lợi.

Khu đất để triển khai dự án này vốn là trụ sở cơ sở 2 của Công ty Sông Nhuệ. Năm 2014, trên diện tích này, hai đơn vị đã hợp tác thực hiện dự án với tên gọi là trụ sở làm việc của Công ty Sông Nhuệ và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại.

Một năm sau đó, Công ty Sông Nhuệ đã ký một Hợp đồng ủy quyền toàn diện cho Công ty Ngôi Nhà Mới thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Tuy nhiên, hiện dự án đã xây xong nhưng Công ty Sông Nhuệ vẫn phải đi thuê mặt bằng để làm trụ sở làm việc, vụ việc này đã dấy lên nghi vấn về giao dịch thâu tóm đất vàng của Tập đoàn Lã Vọng.

Bên cạnh đó, các khu đất xây dựng nhà hàng Lã Vọng đều tọa lạc ở vị trí đắc địa tại Hà Nội nhưng cũng vướng không ít lùm xùm khi bị cơ quan chức năng phanh phui.

Có thể kể đến như nhà hàng Lã Vọng tại khu Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) tọa lạc trên khu "đất vàng" được quy hoạch làm bãi đỗ xe, cây xanh, vườn hoa.

Một nhà hàng khác của tập đoàn này trên bán đảo Hoàng Cầu, hồ Đống Đa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dự án vốn được cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa nhưng đến nay công trình trở thành nhà hàng, xây dựng không theo mục đích ban đầu.

Tin mới lên