Nhân vật

Đại gia Lê Văn Kiểm đã ‘tự giải cứu’ khỏi món nợ 500 tỷ thế nào?

Công ty Huy Hoàng đã thực hiện thành công việc trả nợ cho ngân hàng cả gốc và lãi trước thời hạn, tránh thất thoát cho Nhà nước hơn 500 tỷ đồng nhờ một bức tâm thư gửi thẳng lên Bộ Chính trị.

Đại gia Lê Văn Kiểm đã ‘tự giải cứu’ khỏi món nợ 500 tỷ thế nào?

Ông Lê Văn Kiểm nhận hoa từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong một sự kiện gần đây.

Đại gia Lê Văn Kiểm, ông chủ của sân golf Long Thành, vừa hé lộ câu chuyện "tự giải cứu" khỏi món nợ lên tới 500 tỷ đồng tròn hai thập kỷ trước trong một bài viết về phát triển kinh tế tư nhân.

Bức tâm thư cứu doanh nghiệp

Theo doanh nhân này, những năm 90 ông từng rất thành công với thương hiệu Công ty may mặc Huy Hoàng. Khi đó, ông được xem là người đầu tiên kinh doanh trong lĩnh vực may mặc đã mạnh dạn nhập thiết bị máy móc đồng bộ, hiện đại từ các nước tư bản như Nhật và Ý để đáp ứng dây chuyền sản xuất hàng may mặc cao cấp xuất khẩu sang các nước tư bản và Đông Âu với hình thức kinh doanh trực tiếp theo phương thức giao nhận FOB.

Công ty may Huy Hoàng đã được đánh giá là công ty tư nhân may mặc lớn nhất tại Việt Nam thời gian ấy, tuy nhiên cuộc khủng hoảng những năm 1997 đã khiến Công ty có những lúc đã đứng trên bờ vực của sự phá sản.

Rất may, trong tình thế khó khăn, ông Kiểm đã gửi tâm thư lên lãnh đạo Đảng và Chính phủ về việc xin được giãn nợ từ 3 đến 5 năm, nhằm khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, để đảm bảo trả được nợ cả gốc và lãi cho ngân hàng và giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.

Bức thư này đã được Bộ Chính trị và Chính phủ xem xét rất kỹ lưỡng và đã ra quyết định cho phép Công ty Huy Hoàng làm thí điểm, không hình sự hóa và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện đề xuất đó.

Với sự cố gắng hết mình của vợ chồng, con cái cũng như các người cộng sự và công nhân, Công ty Huy Hoàng đã thực hiện thành công việc trả nợ cho ngân hàng cả gốc và lãi trước thời hạn, tránh thất thoát cho Nhà nước hơn 500 tỷ đồng.

Đồng thời, qua thắng lợi đó, Chính phủ cũng áp dụng cho các công ty khác trong toàn quốc và đã cứu được rất nhiều công ty tư nhân khác, tránh thất thoát cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng.

"Đó là một thành công rất lớn về đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, củng cố về niềm tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Và đó cũng là một bài học kinh nghiệm sâu sắc với tôi trong quá trình khởi nghiệp làm ăn", ông Kiểm viết.

Những tiết lộ này cũng trùng khớp với những đồn đoán lâu nay về giai đoạn khó khăn của ông Lê Văn Kiểm, theo đó doanh nhân này từng đối mặt với việc khởi tố nhưng sau đó được tạo điều kiện bằng cách cho giãn nợ một thời gian. Không chỉ tránh được vòng lao lý, ông Kiểm sau đó đã phát triển và duy trì được một cơ nghiệp khổng lồ và được phong danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 2008.

Trong thời gian đó, ông Kiểm đã tiến hành bán phần lớn các tài sản, chủ yếu là bất động sản với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường để giải phóng nợ ngân hàng.

Sở dĩ câu chuyện được giới đầu tư kinh doanh quan tâm là bởi đó cũng là giai đoạn xảy ra vụ án Epco-Minh Phụng nổi tiếng, mà về sau nhiều ý kiến nói rằng nếu có cơ hội được giãn nợ và có thời gian để xoay xở thì doanh nhân Tăng Minh Phụng cũng có thể xử lý được nợ nhờ vào lượng tài sản lớn.

Cần nâng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp nhà nước

Về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, doanh nhân dày kinh nghiệm này nói rằng chính sách của Đảng và Chính phủ xác định quan tâm nhiều hơn, hỗ trợ giúp đỡ, đánh giá kinh tế tư nhân Việt Nam là động lực quan trọng trong việc xây dựng phát triển kinh tế của đất nước. Đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân chúng tôi.

Tuy nhiên, hiện nay, cải cách thể chế đang tập trung vào các vấn đề để hỗ trợ kinh tế tư nhân VN và các thách thức khác mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt. Hội nhập kinh tế sẽ hướng vào chiều sâu thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN, EFTA, TPP, thỏa thuận thương mại với đối tác nước ngoài sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế tư nhân.

Theo ông Kiểm, trước hết cần nâng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp nhà nước để tăng mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư, và tăng cường cải tiến quản trị doanh nghiệp.

Đồng thời, cần nâng cao tính minh bạch thông qua công khai thông tin thường kỳ với độ chính xác cao, đặc biệt là về vấn đề được sử dụng nguồn vốn vay và việc bảo lãnh nguồn vốn vay đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Đam mê kinh doanh chảy trong huyết quản

Sau khi tốt nghiệp Đại học, có bằng kỹ sư, tuy là con liệt sỹ nhưng ông Lê Văn Kiểm vẫn tình nguyện gia nhập quân đội, tham gia kháng chiến góp phần giải phóng quê hương. Ông từng được đi vào chiến trường Lào, Campuchia và chiến trường B2. Đến ngày 30/4/1975 lịch sử, ông được tham gia tiếp quản Bộ Giao thông Công chánh của chính quyền chế độ cũ và công tác tại Ủy Ban Quân quản Thành phố Sài Gòn Gia Định.

Sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó Ban Kiến thiết Cầu Đường bộ Miền Nam. Trong quá trình làm việc đó, ông đã có cơ hội học và xử lý công việc của các người chủ công ty tư nhân. Từ đó, ông đã nung nấu ý chí, muốn làm thử kinh doanh theo mô hình kinh tế tư nhân. Đến 1978, ông đã bán chiếc xe Honda 2 bánh trị giá khoảng một lượng vàng để mua môtơ, chế máy xay làm thức ăn gia súc.

Tiếp đó, vợ chồng ông đã đầu tư ép hạt cao su khô lấy dầu dùng trong sản xuất sơn thay cho dầu phải nhập khẩu, bã ép ra dùng làm phân bón trong nông nghiệp rất hiệu quả. Ông cũng từng tự nghiên cứu ra công thức làm bột màu trong xây dựng. Do độc quyền công nghệ sản xuất bột màu không bị phai màu nên thời điểm đó mang lại kết quả kinh doanh tốt.

Tin mới lên