Bất động sản

'Đại dự án' du lịch tâm linh tại chùa Hương của đại gia Xuân Trường gặp nhiều trở ngại

Theo nguồn tin của Dân trí, ý tưởng lập "đại dự án" khu du lịch Hương Sơn của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tại khu vực chùa Hương sẽ không dễ nhận được sự phê duyệt do từ năm 2016, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo tại khu vực này không nghiên cứu, đầu tư lĩnh vực tâm linh.

'Đại dự án' du lịch tâm linh tại chùa Hương của đại gia Xuân Trường gặp nhiều trở ngại

'Đại dự án' du lịch tâm linh tại chùa Hương của đại gia Xuân Trường gặp nhiều trở ngại

Như tin đã đưa, "đại dự án" du lịch tâm linh Hương Sơn (Hà Nội) với quy mô 1.000 ha, vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng của Doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Binh), do ông Nguyễn Văn Trường làm giám đốc đã gặp phải nhiều ý kiến không thuận từ các chuyên gia văn hóa, du lịch tới người dân ở khu vực chùa Hương.

Ngay trong một văn bản gửi lãnh đạo TP. Hà Nội gần nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cũng đã lưu ý việc lập dự án phải xem xét, tính tới các quy hoạch kinh tế- xã hội, kiến trúc đã có và tránh bị chồng lấn với các dự án khác đã được phê duyệt nghiên cứu quy hoạch cũng tại khu vực chùa Hương.

Đáng chú ý, từ năm 2016, kết luận tại cuộc họp với các sở, ban, ngành TP. Hà Nội về việc nghiên cứu, xây dựng dự án tại khu vực xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khi đó đã yêu cầu các sở và địa phương hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng quy hoạch được duyệt. Tại cuộc họp, ông Chung đã nhấn mạnh: “Không nghiên cứu lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng” khi xây dựng dự án tại khu vực này.

Như vậy, việc đề xuất nghiên cứu khu dự án tâm linh trên của Doanh nghiệp Xuân Trường sẽ trái ngược với chỉ đạo (đã đưa vào văn bản kết luận) của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.

Quy hoạch không gian kiến trúc khu du lịch Hương Sơn-Hà Nội.

Theo một cán bộ có chuyên môn của UBND thành phố Hà Nội, một điểm đáng lưu ý khác, trong văn bản số 212/CV-DNXT ngày 25/7/2018 gửi UBND TP Hà Nội, Doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất xây dựng dự án với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng với các hạng mục: nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An).

Nhưng 3 tháng sau, ngày 7/11/2018, tại văn bản số 315/CV-DNXT gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường đã sửa lại các con số: quy mô dự án được đề xuất lên tới 1.500 ha thay cho 1000 ha ban đầu. Số lượng nạo vét cũng lên tới 30km thay cho 20 km như đề xuất ban đầu. Công văn ghi rõ: “Nạo vét các hang động và dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 30km”.

Báo cáo này cũng thể hiện nội dung Xuân Trường đề nghị nhà nước đầu tư toàn bộ cho giải phóng mặt bằng và hạ tầng, còn Xuân Trường chỉ đầu tư xây dựng các khu tâm linh, khu dịch vụ…

"Đây là những điều khiến lãnh đạo thành phố phải cân nhắc khi nó đã thay đổi khá nhiều so với báo cáo ban đầu. Ngân sách nhà nước không dễ gì bỏ ra để đầu tư phục vụ một dự án mà doanh nghiệp sẽ khai thác, kiếm lợi qua việc tổ chức thu phí", ông này nói.

>>>Xem thêm: Đại gia Xuân Trường ‘xin’ đầu tư 15.000 tỷ xây khu du lịch tâm linh Hương Sơn rộng 1.000ha

Theo giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Thanh, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ý tưởng doanh nghiệp Xuân Trường đưa ra là không hợp lý.

"Chùa Hương đã có sự gắn kết giữa tín ngưỡng dân gian bản địa với Phật giáo, nó đã có sự hài hòa. Tín ngưỡng dân gian bản địa chính là cái gốc Việt – Mường ở đó. Nếu Xuân Trường xây một cái tháp Phật xá lị to hơn 100 m mang đẳng cấp quốc tế là đề cao Phật giáo và không quan tâm đến tín ngưỡng", ông nói.

Cũng theo GS.TS Bùi Quang Thanh, việc xây dựng dự án tâm linh ở khu vực Hương Sơn là vấn đề cần hết sức lưu ý, không phải muốn làm thì làm, phải có phản biện khoa học, phản biện của cộng đồng".

"Không thể tùy tiện nối dòng, nắn dòng long mạch – Suối Yến hay xây tháp cao, kỳ vỹ khu vực vùng đệm hay trong một không gian văn hóa, tâm linh quốc gia đặc biệt”, ông Thanh nêu quan điểm.

Tin mới lên