Tiêu điểm

Đại biểu Quốc hội: Đánh thuế 45% tài sản bất minh của cán bộ là 'nửa vời'

(VNF) - Chiều 31/5, thảo luận ở tổ về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho rằng quy định đánh thuế 45% tài sản bất minh mà Dự thảo đưa ra là biện pháp xử lý nửa vời, thậm chí “có thể tạo điều kiện cho việc hợp lý hóa tài sản tham nhũng ở giai đoạn trước”.

Đại biểu Quốc hội: Đánh thuế 45% tài sản bất minh của cán bộ là 'nửa vời'

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)/Ảnh:daibieunhandan.vn

Chiều 31/5, trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc.

Theo đó, Chính phủ đề xuất hai phương án xử lý là đánh thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất 45%; hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đối với trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Nhận xét về đề xuất của Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng -  Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội lo ngại rằng “quy định này có thể tạo điều kiện cho việc hợp lý hoá tài sản tham nhũng ở giai đoạn trước”.

Cụ thể, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thì “trước khi Luật này được thông qua thì cán bộ sẽ ồ ạt khai rất nhiều tài sản được thừa kế, tặng cho để tránh hệ luỵ khi bị xác minh tài sản, thu nhập”.

Đồng tình với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội cũng cho rằng “đánh thuế 45% tài sản bất minh là biện pháp xử lý nửa vời, vì nếu tài sản đã xác định là bất minh thì phải tịch thu chứ sao lại chỉ lấy 45%?”

Ông Đặng Thuần Phong – Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội thì cho rằng cần có các biện pháp thu hồi tài sản thông qua thủ tục tố tụng cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. “Chúng ta đưa người nghiện đi cai mà còn phải có bản án của toà nữa là động tới quyền tài sản của cán bộ”, ông Phong nói.

Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội về đề xuất đánh thuế 45% tài sản bất minh,Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, trường hợp cơ quan chức năng xác định được tài sản của cán bộ, công chức là bất hợp pháp, được hình thành do vi phạm pháp luật thì căn cứ vào Luật Hình sự, Luật Dân sự để xử lý, tịch thu.

Mặt khác, trong điều kiện thực tế của Việt Nam, cơ quan chức năng chưa kiểm soát được hết tài sản, thu nhập của toàn xã hội, có những trường hợp tài sản cán bộ hình thành nhờ cho, biếu, tặng, làm thêm hợp pháp… Như vậy loại tài sản, thu nhập này có thể không được giải trình hợp lý về nguồn gốc, nhưng không khẳng định đó là tài sản bất hợp pháp, thì việc cơ quan chức năng áp dụng biện pháp thu thuế là hợp lý.

“Dự thảo Luật đã coi đó như một khoản thu nhập vãng lai, chưa được kê khai và người có nghĩa vụ kê khai phải nộp thuế. Phương án này không loại trừ trách nhiệm hình sự, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án, chứng minh được tài sản, thu nhập đó do phạm tội mà có thì vẫn tịch thu theo quy định”, ông Khái nhấn mạnh.

Cũng trong dự luật này,  cán bộ, công chức, viên chức từ phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản khi được bổ nhiệm lần đầu (không phải kê khai hàng năm). Việc kê khai này chỉ phục vụ mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu và khi tài sản của công chức tăng đột biến từ 300 triệu đồng trở lên hoặc khi có đơn thư thì cơ quan chức năng mới tiến hành xác minh.

Các trường hợp phải kê khai tài sản hàng năm đã được dự Luật thu hẹp lại so với quy định hiện hành. Theo đó, cán bộ từ giám đốc sở trở lên và những người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài sản, tài chính công,… mới phải kê khai tài sản hàng năm vì đây được coi là những trường hợp nguy cơ cao.

Ngày 13/6 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tin mới lên