Tài chính quốc tế

Cựu chủ tịch Google Trung Quốc rút đầu tư khỏi Mỹ

Cuộc chiến thương mại, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu tác động lớn lên thị trường. Chứng khoán hai nước lao dốc khi giới đầu tư quan ngại về khả năng thuế quan lên cao.

Cựu chủ tịch Google Trung Quốc rút đầu tư khỏi Mỹ

Ông Kai-Fu Lee.

Thung lũng Silicon, căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế đã kéo dài nhiều tháng, đến mức nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đơn giản là không thực hiện thương vụ nào nữa. Một trong những sự ra đi đáng chú ý nhất là của Sinovation Ventures, công ty do cựu Chủ tịch Google Trung Quốc Kai-Fu Lee khởi động. Sinovation Ventures bắt đầu đầu tư tại Mỹ vào năm 2013.

Người đứng đầu văn phòng ở Thung lũng Silicon của Sinovation, ông Chris Evdemon, rời đi trong những tháng gần đây và thông báo cho một số hãng đầu tư rằng công ty tạm dừng rót vốn vào Mỹ trong lúc tái cấu trúc nguồn tài trợ.

Theo một phần của mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ, thông qua Ủy ban đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CIFUS) xem xét kỹ lưỡng hơn các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Năm ngoái, chính quyền của ông Trump mở rộng quyền hạn để CIFUS xem xét cả cổ phần không kiểm soát và đầu tư, bên cạnh việc đánh giá các thương vụ thâu tóm hoàn toàn.

Tác động của thay đổi này được cảm nhận cả trong giới công nghệ. Hãng công nghệ quảng cáo AppLovin vốn chờ được thâu tóm với giá 1,4 tỉ USD bởi một hãng cổ phần tư nhân Trung Quốc vào năm 2017 cho đến khi CIFUS can thiệp. Tháng 4 năm nay, hãng công nghệ sức khỏe PatientsLikeMe bị buộc phải tìm người mua sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh cho chủ sở hữu cổ phần đa số của hãng này, một doanh nghiệp Trung Quốc, phải thoái vốn.

Đầu tư của Trung Quốc vào các hãng khởi nghiệp Mỹ cũng giảm kể từ khi đạt đỉnh hồi năm 2016. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc hạ từ 27 tỉ USD năm 2017 xuống còn 4,8 tỉ USD năm ngoái, theo Rhodium Group. Có lẽ vấn đề lớn nhất với các hãng Trung Quốc là họ khó lòng tiếp cận các startup “hot” nhất vì những hãng này đã tiếp cận được nguồn vốn dồi dào, không cần phải chấp nhận nguồn vốn với rắc rối tiềm ẩn từ quốc gia Đông Á.

Sinovation đặc biệt tâp trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), một trong những lĩnh vực mà CIFUS quan ngại nhất vì ứng dụng tiềm năng vào quân đội. Trên trang web doanh nghiệp, ông Evdemon vẫn được ghi là “CEO của Sinovation North America”, song nhiều nguồn tin cho rằng ông này đã rời đi vì lý do cá nhân.

Trang LinkedIn của Evdemon cho biết ông hiện là đối tác liên doanh tại Basis Set Ventures do cựu giám đốc điều hành Dropbox Lan Xuezhao sáng lập. Trang còn có thông tin ông này làm CEO của Sinovation North America trong 9 năm.

Evdemon gia nhập Sinovation ở Bắc Kinh năm 2009, là một trong sáu đối tác được nêu tên trong quỹ mới nhất trị giá 500 triệu USD với vốn được huy động tháng 4.2018. Những đối tác khác có bà Angela Bao, người là nhà đầu tư Mỹ chính khác của Sinovation. Bao rời hãng từ giữa năm 2018.

Từ năm 2009, khi ông Lee rời Google để thành lập doanh nghiệp, Sinovation rót vốn chủ yếu ở Trung Quốc, nơi công ty có văn phòng ở bốn thành phố. Doanh nghiệp quản lý khoản 2 tỉ USD và có Foxconn là một trong các đối tác hạn chế hàng đầu.

Ông Lee trước đây dẫn dắt Microsoft Research và từng viết quyển sách Các cường quốc AI: Trung Quốc, Thung lũng Silicon và Trật tự thế giới mới. Ông lập luận trong quyển sách rằng giới doanh nhân công nghệ Trung Quốc đã vượt qua giới doanh nhân công nghệ Mỹ, đặc biệt là trong mảng AI.

“Tôi gắn bó hàng thập kỷ với cả Thung lũng Silicon lẫn môi trường công nghệ Trung Quốc, làm việc tại Apple, Microsoft và Google trước khi ươm mầm và đầu tư vào hàng chục startup Trung Quốc. Tôi có thể nói với bạn rằng Thung lũng Silicon trông hết sức chậm chạp với các đối thủ bên kia Thái Bình Dương”, ông Lee viết trong quyển sách.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 11.2018, ông Lee cho biết mình xem xét giảm đầu tư vào Mỹ nếu quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục xấu đi. Trong quá khứ, 95% số tiền của Sinovation được rót vào Trung Quốc và tương lai, con số này có thể “dễ dàng là 98% hay 100%”. Chính sách của Mỹ buộc Sinovation phải “tìm kiếm những người Trung Quốc thông minh, giỏi công nghệ ở Mỹ và đưa họ về Trung Quốc”.

Xem thêm >> Ngoại trưởng Nga ‘nhắc khéo’ Mỹ: ‘Chúng ta là những người lịch sự’

Tin mới lên