Tài chính

‘Con cưng’ Sông Đà ôm nợ hơn 10.500 tỷ đồng, Bộ Xây dựng chỉ đạo 'nóng'

(VNF) - Báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2019 đã kiểm toán cho thấy, tổng tài sản của Sông Đà là 15.132 tỷ đồng, nợ phải trả là 10.580 tỷ đồng (trong đó nợ phải trả công ty mẹ là 6.647 tỷ đồng, nợ do công ty mẹ vay để cho vay lại là 2.956 tỷ đồng).

‘Con cưng’ Sông Đà ôm nợ hơn 10.500 tỷ đồng, Bộ Xây dựng chỉ đạo 'nóng'

‘Con cưng’ Sông Đà ôm nợ hơn 10.500 tỷ đồng, Bộ Xây dựng chỉ đạo nóng

Bộ Xây dựng cho biết Tổng công ty Sông Đà đã hoàn thành công tác cổ phần hoá và chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ ngày 6/4/2018 với vốn điều lệ hơn 4.495 tỷ đồng. Bộ Xây dựng đại diện vốn nhà nước nắm 99,79% vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2019 đã kiểm toán, tổng tài sản của Sông Đà là 15.132 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4.551 tỷ đồng và nợ phải trả là 10.580 tỷ đồng.

Trong đó, nợ phải trả công ty mẹ là 6.647 tỷ đồng, nợ do công ty mẹ vay để cho vay lại là 2.956 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2019, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,32 lần, thấp hơn mức 3 lần quy định. Bộ Xây dựng lý giải tỷ lệ này duy trì trong mức an toàn, các khoản nợ đều trong hạn thanh toán. Sông Đà không có nợ quá hạn hoặc nợ xấu, kinh doanh có lãi và bảo toàn được vốn.

Sông Đà dự kiến thu xếp nguồn thu để thanh toán nợ, với các khoản vay cho vay lại, tổng công ty sẽ thu của các đơn vị theo hợp đồng đã kí.

Đối với các khoản vay và nợ phục vụ hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty mẹ (6.647 tỷ đồng), Sông Đà sẽ thu tiền nợ khối lượng xây lắp hoàn thành các công trình 3.757 tỷ đồng, thu tiền khối lượng xây lắp các công trình đã thi công dở dang khoảng 2.000 tỷ, thu từ thoái vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ.

Cụ thể, Sông Đà sẽ thoái vốn tại các công ty cổ phần gồm: Điện Việt Lào do Sông Đà nắm 35,11% (tương ứng giá trị đầu tư là 1.107 tỷ đồng); Sudico do Sông Đà sở hữu 36,35% vốn (tương ứng với giá trị đầu tư là 1.065 tỷ) và thuỷ điện Cửa Đạt do Sông Đà nắm 6,8% vốn (tương ứng với giá trị đầu tư khoảng 55 tỷ đồng).

Trước các khoản vay mà Sông Đà phải thu xếp để trả nợ trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho hay đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung thực hiện đẩy nhanh công tác thi công, nghiệm thu, thanh toán để thu tiền khối lượng xây lắp hoàn thành tại các dự án, các công trình.

Cùng với đó, thực hiện chủ trương thoái vốn theo kế hoạch đã được Bộ Xây dựng, đại hội đồng cổ đông tổng công ty thông qua, trong năm 2020, Sông Đà sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để thoái vốn tại một số đơn vị như Sudico, thủy điện Việt Lào...

Bộ Xây dựng cũng cho biết hiện đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Sông Đà chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.

Đồng thời nêu rõ một số công việc trọng tâm mà tổng công ty đang thực hiện, đề nghị SCIC tiếp tục triển khai ngay khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Xây dựng, đảm bảo tính liên tục, không làm ảnh hưởng đến quá trình sắp xếp, tái cơ cấu và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Vào tháng 6 vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thủ tướng cho chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà làm một số dự án trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty

Theo giới thiệu của Bộ Xây dựng, Sông Đà từng là “ông lớn” nhà nước trong ngành xây dựng. Ngoài các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Yaly, Sông Hinh, Sơn La, Lai Châu... những năm qua Sông Đà đã thi công hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động. Nhiều thiết bị, máy móc đã đầu tư làm thủy điện phải “đắp chiếu” vì không có việc làm.

Bộ Xây dựng cho biết cuối năm 2015, Bộ đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại 16 tổng công ty gồm 9 tổng công ty - TNHH MTV và 7 tổng công ty - CTCP.

Hết tháng 6/2020, Bộ Xây dựng chỉ còn đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại 13 tổng công ty.

14/16 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đã cổ phần hoá. Các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá có 3 doanh nghiệp niêm yết gồm DIC, Viglacera, IDICO và 11 đơn vị giao dịch UPCoM.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang thực hiện cổ phần hoá với hai doanh nghiệp còn lại là Tổng công ty HUD và VICEM

>>> Xem thêm: 'Ông lớn' Lilama kinh doanh bết bát, Bộ Xây dựng báo cáo gì với Thủ tướng?

Tin mới lên