Tài chính

Cổ phần hoá DNNN: Quy trách nhiệm 'người đứng mũi chịu sào' liệu có hiệu quả?

Gắn trách nhiệm người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước là một trong những giải pháp được đưa ra trong Quyết định cổ phần hoá năm 2020.

Cổ phần hoá DNNN: Quy trách nhiệm 'người đứng mũi chịu sào' liệu có hiệu quả?

Quyết định 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn bị đánh giá là chưa được như kỳ vọng. Trong đó, quá trình cổ phần hoá, thoái vốn chậm là nguyên nhân chính kéo dài nhiều năm.

Thoái vốn càng chậm càng thiệt hại

Theo ông Vũ An Khang - Tổng giám đốc Công ty Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC), thực trạng nhiều tập đoàn, tổng công ty đang xin giãn tiến độ cổ phần hoá. Trong đó, hầu hết nguyên nhân là bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng những tháng đầu năm 2019, mặc dù công tác cổ phần hoá, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng cổ phần hoá vẫn rất chậm.

Việc chuyển giao quyền sở hữu nhà nước sang SCIC và niêm yết trên sàn chứng khoán sau IPO còn ít. Một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp.

"Nhiều DNNN có quy mô lớn, sở hữu đất đai ở nhiều tỉnh, thành như Vinafood1, VNPT, Agribank nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp,... mất nhiều thời gian", Phó Thủ tướng đánh giá.

Đặc biệt, còn nguyên nhân khác luôn được nhắc đến trong nhiều năm qua là vai trò người đứng đầu. Lãnh đạo các DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa từng có người đứng đầu nào phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ này.

"Thủ tướng và Chính phủ muốn chúng ta phải làm đúng nhưng phải làm nhanh. Đúng mà chậm, ách tắc trì trệ cũng không được mà phải nhanh hơn. Yêu cầu là khó nhưng phải làm chứ không còn cách nào khác cả. Cứ tròn vo đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh là không được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hệ luỵ của vấn đề này nói như chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long là khả năng gây thất thoát cho Nhà nước. "Những trường hợp thế này, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm vướng mắc để thoái càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn", ông Long nói. 

Xoay chiều chuyển động “người đứng mũi chịu sào"

Giải quyết vấn đề này, mới đây, trong Quyết định 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Theo đó, có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cổ phần hóa đúng kế hoạch. Định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020 báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.

“Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định”, Quyết định của Thủ tướng nêu rõ.

Nhiều chuyên gia nhận định với quy định này, sẽ không còn nhiều “đất” để những người đứng đầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cũng như doanh nghiệp vin vào để lý giải cho những chần chừ, chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa doanh, nhất là khi bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả công việc này.

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đề cập. Trong Chỉ thị 01/2019/CT-TTg được ban hành ngay những ngày đầu năm 2019, Thủ tướng đã yêu cầu cụ thể cả việc xác định rõ trách nhiệm cá nhân lẫn chế tài xử lý theo hưởng đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn. Nhưng có lẽ, chế tài vẫn chưa đủ mạnh.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã gọi hiện tượng này là động cơ ngược, đang thúc đẩy “mô men chậm” trong hành vi của các công chức. Thậm chí, trong bối cảnh nhiều khó khăn phát sinh do những tồn tại lưu cữu trong hoạt động của không ít doanh nghiệp, muốn giải được có tư duy mới, cách làm mới, thì làm chậm nhiều khi được coi là cách để né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Chưa kể thực trạng nếu không thay đổi, thì quyền lực, quyền lợi của nhiều vị trí liên quan đến doanh nghiệp nhà nước sẽ được giữ nguyên.

"Bởi vậy, để thay đổi động cơ, xoay chiều chuyển động của các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm, giải pháp lâu dài, mang tính quyết định vẫn là cơ chế, thể chế thúc đẩy sự sẵn sàng trong cải cách, đổi mới không chỉ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước", ông Cung nhấn mạnh.

Theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Cụ thể, có 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ; Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.

Có 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, có 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.

Tin mới lên