Công nghệ

‘Cô gái thực tế ảo’ Phạm Ngọc Mai Anh: ‘Muốn startup với thực tế ảo phải đợi 2 - 3 năm nữa’

(VNF) - Nhận định về cơ hội của các startup khi bước chân vào lĩnh vực thực tế ảo, CEO ADT Creative Phạm Ngọc Mai Anh cho rằng cơ hội sẽ đến nhưng chưa phải bây giờ, ít nhất cũng phải 2 – 3 năm tới, khi mọi người hiểu và mạnh dạn hơn.

‘Cô gái thực tế ảo’ Phạm Ngọc Mai Anh: ‘Muốn startup với thực tế ảo phải đợi 2 - 3 năm nữa’

Phạm Ngọc Mai Anh, CEO ADT Creative

ADT Creative, một doanh nghiệp chuyên về thực tế ảo, thực tế tăng cường được Phạm Ngọc Mai Anh lập ra vào năm 2017. Chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, ADT Creative đã trở thành đối tác với một loạt doanh nghiệp lớn. Bản thân Phạm Ngọc Mai Anh cũng trở thành cái tên khá quen thuộc trong ngành thực tế ảo tại Việt Nam.

Khởi nghiệp 0 đồng

Sinh năm 1987 tại Hà Nội, Phạm Ngọc Mai Anh gây ấn tượng với người khác bằng mái tóc cắt ngắn, gương mặt phúc hậu, nụ cười rạng rỡ và dáng đi nhanh nhẹn như một con mèo.

Hơn 10 năm trước, Mai Anh là một trong 20 thành viên của lớp học duy nhất về truyền thông tương tác tại Đại học Nghệ thuật London – cái nôi của những người làm nghệ thuật và sáng tạo nổi tiếng trên thế giới.

Trở về nước năm 2013, với học vấn về thực tế ảo, thực tế tăng cường, Mai Anh không thể tìm được bất cứ công ty nào phù hợp với ngành học của mình. Chị đành chấp nhận làm quảng cáo cho một doanh nghiệp trong TP. HCM.

Tuy nhiên, cơ hội đến khi một công ty bên Singapore đỡ đầu cho Mai Anh làm một dự án về thực tế tăng cường. Bước ngoặt này đã khiến cô gái trẻ quyết định đứng ra thành lập công ty để “tự kinh doanh chất xám của chính mình”.

Mai Anh hợp tác với Nguyễn Thế Duy, một cựu du học sinh tại Anh có niềm đam mê với công nghệ, để lập nên ADT Creative – doanh nghiệp chuyên về thực tế ảo, thực tế tăng cường.

Vào thời điểm đó, Mai Anh không có một đồng vốn nào. Hai người tự mày mò dựng dự án, lấy công làm lãi. Thế rồi dự án này nối dự án khác, công ty có doanh thu, tuyển thêm nhân sự. Đến giờ ADT Creative đã có hơn 30 người, 60 dự án, 40 đối tác, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Viettel, Trung Nguyên, Thiên Long, Vingroup, Sun Group, Le Bros…

Những sản phẩm độc đáo

Chia sẻ về hướng đi của công ty, Mai Anh cho hay thực tế ảo, thực tế tăng cường là xu hướng công nghệ của thế giới. Tuy nhiên, trong khi những ông lớn trên thế giới như Google, Facebook, Apple, HTC… chạy đua làm thiết bị thì những doanh nghiệp trẻ như ADT Creative tập trung vào nội dung. Cụ thể, ADT Creative sẽ đưa ra các giải pháp công nghệ để giải quyết bài toán của doanh nghiệp. Mỗi bài toán là một công nghệ, hoặc phối hợp nhiều công nghệ khác nhau. Do không có mẫu số chung nên công ty của Mai Anh sáng tạo nhiều ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như: bất động sản, du lịch, giáo dục, bán lẻ…

Một sản phẩm khá tiêu biểu của công ty là xây dựng trò chơi điện tử cho thương hiệu Mytel tại Myanmar. Nương theo mô típ Pokemon Go, trò chơi điện tử này được thiết kế để người chơi tiêu diệt các phi thuyền của người ngoài hành tinh để “săn” phần thưởng là phút gọi miễn phí, dữ liệu truy cập internet… Các phần thưởng thường được “thả” tại các cửa hàng Mytel, do đó giúp thu hút khách hàng đến với thương hiệu này. Ngay trong ngày đầu ra mắt, trò chơi đã thu hút được 2 vạn người, tạo nên hiệu ứng cực tốt cho Mytel tại Myanmar.

Một sản phẩm độc đáo khác là bảo tàng ảo về thế giới cà phê. Đây là dự án Mai Anh hợp tác với tập đoàn Trung Nguyên nhằm 3D hóa không gian bảo tàng cùng hơn 2 vạn hiện vật về công nghiệp cà phê.

Hay như với Thiên Long, Mai Anh sản xuất một bộ sách tô màu cho trẻ em. Khi các bé tô màu lên các bức tranh và dùng ứng dụng để “quét” thì hình ảnh 2D sẽ chuyển thành 3D với màu sắc nguyên bản. Sản phẩm này vừa phù hợp với thực tiễn là trẻ em hiện nay tiếp xúc với điện thoại thông minh từ rất sớm, vừa giúp việc học tập trở nên hấp dẫn hơn với trẻ.

Doanh nghiệp tư nhân, đi làm như công chức

Nói về khởi nghiệp trong lĩnh vực thực tế ảo, Mai Anh cho rằng thị trường công nghệ hiện nay mới chỉ ở giai đoạn đầu của xu hướng chứ chưa phải đã bùng nổ. Tuy nhiên, đây sẽ là xu hướng không thể đảo ngược và việc ứng dụng công nghệ vào mọi mặt đời sống sẽ ngày càng rõ rệt.

Ở thời điểm khởi nghiệp, Mai Anh phải đối diện với hai khó khăn là thị trường và nhân sự. “Mọi người nói rất nhiều về 4.0, về ứng dụng công nghệ nhưng công nghệ ấy là gì, mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp thì chưa rõ, thậm chí doanh nghiệp còn chưa có nhu cầu. Vậy mình phải chỉ ra nhu cầu cho họ.

“Về nhân sự, ở Việt Nam hiện chưa có một trường, một ngành nào đào tạo về thực tế ảo, thực tế tăng cường. Công ty không còn cách nào khác là tuyển những người có tố chất vào rồi đào tạo dần”, Mai Anh chia sẻ

Việc thiếu hụt nhân sự khiến doanh nghiệp trẻ của Mai Anh phải chịu đựng chi phí đào tạo khá lớn và gần như đó là một gánh nặng, nhất là ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, Mai Anh xác định với một công ty mà sản phẩm là chất xám thì nhân lực là cốt lõi, phải chấp nhận bỏ chi phí lớn để đầu tư. “Nếu cốt lõi đấy không chắc, không tốt thì công ty không có tương lai”, chị nói.

Hiện, công ty của Mai Anh có 30 nhân sự và được cơ cấu đầy đủ các bộ phận: tài chính, chất lượng sản xuất, quản lý kinh doanh, pháp chế. Mỗi bộ phận do một “leader” phụ trách. Dưới mỗi “leader” lại chia ra thành các đội: ý tưởng, thiết kế, lập trình…

Mai Anh cho biết sắp tới công ty sẽ tuyển thực tập sinh, mô phỏng chương trình thực tập của Google. Theo đó, công ty sẽ chia thành nhiều nhóm nhỏ. Mỗi nhóm sẽ như một công ty sáng tạo nhỏ với đầy đủ bộ phận để chạy dự án.

Việc quản trị nhân sự của Mai Anh khiến nhiều người khá ngạc nhiên, bởi dù là một doanh nghiệp tư nhân nhưng nhân viên đều được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật như công/viên chức nhà nước.

“Tôi nghĩ là sức người có hạn. Người ta sẽ làm việc tốt nhất khi có đủ năng lượng. Chính vì thế tôi không khuyến khích làm cuối tuần. Còn khi phải làm cuối tuần, công ty sẽ trả lương gấp đôi. Điều này có hai ý nghĩa: một là để các bạn nhân viên biết được rằng những gì các bạn làm có giá trị và bản thân các bạn không có cảm giác bị bóc lột; hai là để thách thức ngược lại ban quản lý rằng hãy quản trị dự án đó thật là tốt. Nếu chúng ta phải làm cuối tuần nhiều, điều đó cho thấy chúng ta làm chưa tốt”, Mai Anh chia sẻ.

Đề cập đến chuyện lương thưởng của nhân viên, Mai Anh cho biết công ty có bộ đánh giá nhân viên rất cụ thể, chặt chẽ. “Lương thưởng đều tính trên các tiêu chí đánh giá, không có chuyện cảm tính. Nếu có tư duy mong nhân viên không đòi lương cao hay thưởng tốt, tôi cho đó là tư duy không bền vững”, chị nói.

Không gọi vốn như một startup

Vốn là vấn đề của mọi doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp trẻ đang trong giai đoạn khởi đầu hay tham vọng mở rộng quy mô. ADT Creative của Mai Anh cũng không ngoại lệ.

Dù vậy, nữ CEO 31 tuổi khẳng định sẽ không gọi vốn như một startup. “Tôi định hình doanh nghiệp của mình là một công ty bình thường, hoạt động để phát triển chứ không phải là một công ty nhỏ bé, cần những nguồn vốn ngắn hạn. Tôi sẽ không gọi vốn trên Shark Tank”.

Mai Anh chia sẻ những thành tựu đạt được trong hơn một năm hoạt động đã khiến chị suy nghĩ lại về chiến lược phát triển của công ty.

“Tôi mong muốn là trở thành người dẫn đầu chứ không phải là người đi đầu. Người đi đầu thì sẽ chăm lo phát triển cho công ty về nhân sự, về doanh thu… Còn người dẫn đầu sẽ làm lợi nhiều hơn cho cộng đồng, mang đến kiến thức cho các bạn trẻ...”, chị nói.

Theo Mai Anh, ADT Creative sẽ IPO để gọi vốn. Nhưng công ty không chỉ cần dòng tiền mà còn cần vị thế và chất xám của cổ đông. “Tôi muốn người đồng hành là người có thể đóng góp về trí tuệ, kinh nghiệm…”

Cơ hội nào cho các startup trong lĩnh vực thực tế ảo?

Nhận định về cơ hội của các startup khi bước chân vào lĩnh vực thực tế ảo, Mai Anh cho rằng cơ hội sẽ đến nhưng chưa phải bây giờ, ít nhất cũng phải 2 – 3 năm tới, khi mọi người hiểu và mạnh dạn hơn.

Còn hiên tại, công nghệ thực tế ảo mới chỉ đang dừng ở mức độ gia tăng trải nghiệm, nghĩa là công nghệ làm cho giá trị sản phẩm tốt hơn nhưng nếu không có thì cũng không ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của sản phẩm. Cho nên sẽ chưa có nhiều dự án quy mô.

Bình luận về trào lưu startup hiện tại, Mai Anh cho rằng đó là trào lưu rầm rộ nhưng không chắc chắn. “Ai cũng thích làm chủ, khởi nghiệp nhưng mọi người có xác định khởi nghiệp làm cái gì hay không và mình có phù hợp với khởi nghiệp không? Không phải ai sinh ra cũng làm chủ được, làm chuyên viên cao cấp nhận lương cao có khi còn tốt hơn”.

Mai Anh cho rằng sai lầm của các bạn trẻ khởi nghiệp ở giai đoạn đầu là chạy theo nhiều thứ trước mắt như làm sao nuôi sống công ty, làm sao có được nhiều dự án.. nhưng có nhiều thứ xung quanh, như cái nền móng, không xây chắc thì càng về sau càng lung lay.

Chẳng hạn như về nhân sự, câu hỏi thường trực phải là làm sao quản trị nhân sự tốt? Bên cạnh đó là quản lý dòng tiền, quản lý hợp đồng, quản lý pháp lý. “Thường công ty nhỏ không quan tâm vấn đề pháp lý như đóng bảo hiểm cho nhân viên, các điều khoản hợp đồng, nếu khách hàng chậm thanh toán thì sao…  Mọi người không để ý lắm, cứ tư duy rằng có việc là tốt rồi, chúng mình còn nhỏ mà, có doanh nghiệp lớn như thế cho việc thì sướng quá còn gì.. Nhưng chính những cái đấy sẽ tạo ra lỗ hổng, gây ra thiệt hại cho công ty”.

Một yếu tố nữa là phải chú trọng phát triển chuyên môn và tầm nhìn của nhân viên. “Khi các nhân viên làm việc, họ sẽ chỉ biết việc ấy thôi, nhưng mình phải hướng nhân viên đến việc phát triển bản thân. Thị trường càng phát triển thì các bạn phải phát triển bản thân lên cao hơn, không bằng lòng với cái giỏi của hiện tại.

“Tóm lại, có nhiều thứ mà ta phải xây dựng như cái móng phải có nhiều chân thì mới vững được. Cứ chạy theo những cái trước mắt thì rất dễ bị sụp đổ”, Mai Anh nói.

Chia sẻ về những dự định tương lai, Mai Anh cho biết sẽ hợp tác với các đại học bên Singapore và Anh để đào tạo chuyển giao. Theo đó, học viên sẽ được đào tạo tại Việt Nam trong 6 tháng rồi đi học tiếp ở nước ngoài 2 năm. Kết thúc khóa học, học viên sẽ được lấy bằng về truyền thông tương tác.

“Ngành sáng tạo ở Việt Nam mới chỉ dạy cách dùng công cụ, còn tôi muốn dạy các em tư duy, cách làm từ ý tưởng đến sản phẩm một cách trọn vẹn”, chị nói.

Tin mới lên