Tài chính

Cơ cấu lại TTCK: Xuất hiện sự phân hóa lớn giữa các công ty chứng khoán

(VNF) - Tuyệt đại đa số các công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng "thiệt thòi" hơn nhiều về chính sách so với nhóm có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng.

Cơ cấu lại TTCK: Xuất hiện sự phân hóa lớn giữa các công ty chứng khoán

Cơ cấu lại TTCK: Xuất hiện sự phân hóa lớn giữa các công ty chứng khoán

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", trong đó đề cập khá chi tiết đến việc cơ cấu lại các công ty chứng khoán.

Đề án phân loại các công ty chứng khoán thành 4 loại: hoạt động lành mạnh; hoạt động bình thường; hoạt động kém; không còn khả năng phục hồi.

Nhóm hoạt động lành mạnh là những công ty chứng khoán có chỉ tiêu an toàn tài chính lớn hơn 180%, vốn chủ sở hữu lớn hơn 1.000 tỷ đồng và không lỗ lũy kế.

Các công ty chứng khoán này được tạo điều kiện mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động trong nước và khu vực, bảo đảm an toàn tài chính, chất lượng quản trị rủi ro và quản trị công ty.

Cùng với đó, được xây dựng định hướng chiến lược và hướng dẫn cụ thể hỗ trợ áp dụng các công nghệ tài chính mới trong việc đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư.

Được phép tham gia là thành viên thị trường trái phiếu, thị trường phái sinh, cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới như chứng quyền, quyền chọn, giao dịch trong ngày; thực hiện chức năng là tổ chức tạo lập thị trường của Sở giao dịch Chứng khoán và tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Ngoài ra, nhóm này được khuyến khích tham gia xử lý những công ty chứng khoán thuộc nhóm hoạt động yếu kém.

Nguồn: Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán

Nhóm hoạt động bình thường là những công ty chứng khoán có chỉ tiêu an toàn tài chính lớn hơn 180%, có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng hoặc còn lỗ lũy kế.

Các công ty này phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, nghiệp vụ, sản phẩm và đối tượng khách hàng có lợi thế; cơ cấu lại danh mục đầu tư, hạn chế các khoản đầu tư có rủi ro cao, tập trung vào các hoạt động cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, tái cấu trúc nội bộ thông qua việc khuyến khích các tổ chức tài chính, ngân hàng có quy tín trong nước và nước ngoài tham gia sở hữu cổ phần, phần góp vốn.

Đối với nhóm công ty hoạt động kém (có chỉ tiêu an toàn tài chính nhỏ hơn 180%), Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn và các hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, không được trực tiếp quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

Các công ty trong nhóm này có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định sẽ bị đình chỉ một số hoặc toàn bộ hoạt động nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát việc xử lý nợ, tài sản xấu, yêu cầu trích lập 100% giá trị theo quy định các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn trả nợ, đã được gia hạn nợ dưới mọi hình thức, các giao dịch với các bên liên quan.

Hạn chế các hoạt động đầu tư, chi trả cổ tức và mua lại cổ phần, phần vốn góp; không cho phép những công ty chứng khoán thuộc nhóm này thực hiện các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao.

Đề án khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị lỗ lũy kế, có tài sản xấu được giảm vốn điều lệ trên cơ sở đánh giá lại giá trị hợp lý của tài sản và phù hợp với pháp luật hiện hành.

Chỉ chấp thuận chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đối tác, cổ đông mới chứng minh được khả năng phục hồi năng lực tài chính và khả năng hoạt động của các công ty chứng khoán thuộc nhóm này sau chuyển nhượng.

Nguồn: Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán

Đối với nhóm các công ty không còn khả năng phục hồi (đã có quyết định chấm dứt hoạt động hoặc quyết định chấp thuận giải thể), Thủ tướng yêu cầu khẩn trương giải quyết quyền lợi đối với khách hàng và nhà đầu tư. Phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án giải quyết các tài khoản của khách hàng có liên quan đến các vụ án, các tài khoản còn tranh chấp.

Cùng với đó, căn cứ tình hình giải quyết các nghĩa vụ của công ty đối với khách hàng, thực hiện rút giấy phép thành lập và hoạt động; yêu cầu người quản lý công ty, bao gồm người đại diện pháp luật, các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm việc giải thể của công ty sau khi công ty bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.

Tin mới lên