Tài chính

‘Cơ cấu lại chi NSNN phụ thuộc lớn vào việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức hệ thống’

(VNF) - Về cơ cấu lại chi NSNN, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá việc này phụ thuộc lớn vào khả năng điều chỉnh lại các chính sách chi cho con người, chi các lĩnh vực sự nghiệp; việc triển khai các nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập.

‘Cơ cấu lại chi NSNN phụ thuộc lớn vào việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức hệ thống’

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Trước thềm xuân Mậu Tuất năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những chia sẻ về một số kết quả trong công tác tái cơ cấu thu và chi ngân sách.

Theo Bộ trưởng Dũng, tiến trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Thu cân đối NSNN trong 2 năm 2016-2017 đạt khoảng 24,6% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt trên 80% (so với tỷ trọng thu nội địa bình quân giai đoạn 2011-2015 là 68%).

Tổng chi ngân sách bám sát dự toán; trong đó, chi ĐTPT trong 02 năm 2016- 2017 bình quân chiếm 26-27% tổng chi NSNN (giai đoạn 2011-2015, dự toán chi ĐTPT chiếm 18,2%/tổng chi NSNN; thực hiện là 25%/tổng chi NSNN); tỷ trọng chi thường xuyên trong dự toán 02 năm 2016-2017 là 64-65% (giai đoạn 2011- 2015 là 67,8%).

Về cân đối NSNN, tỷ lệ bội chi NSNN tính theo GDP thực tế bình quân 2 năm 2016- 2017 là 4,27% (tính theo Luật NSNN năm 2015 và GDP thực tế), trong đó bội chi năm 2017 khoảng 3,48% GDP thực hiện.

Về nợ công, thông qua các biện pháp tái cơ cấu, đã kéo dài kỳ hạn nợ (kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2017 ước là 13,5 năm, so với kỳ hạn phát hành bình quân năm 2016 là 8,7 năm), nâng kỳ hạn danh mục TPCP đến cuối năm 2017 là 6,7 năm (so với 5,98 năm thời điểm cuối năm 2016); lãi suất giảm; đảo ngược cơ cấu nợ trong nước và ngoài nước, từ cơ cấu nợ trong nước/ngoài nước là 39%/61% năm 2011, chuyển thành 60%/40% năm 2016; đa dạng hóa các nhà đầu tư (tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của NHTM từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn 54% ).

Ước đến 31/12/2017, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, trong đó: nợ chính phủ khoảng 51,6% GDP, nợ được Bảo lãnh Chính phủ khoảng 9,1% GDP trong giới hạn quy định.

"Trong năm 2017, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIV tiếp tục ban hành các Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chúng tôi hy vọng rằng, việc triển khai các Nghị quyết này và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51-NQ/CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, sẽ là nền tảng để đạt được các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công đã đề ra", Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, quá trình cơ cấu lại NSNN cũng còn nhiều thách thức, trong đó, về cơ cấu lại thu NSNN, mặc dù có bước phát triển mới song còn khó khăn do kinh tế thế giới chưa thực sự ổn định; trong nước, việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng được yêu cầu; còn nhiều rủi ro chưa lường trước được của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sáp nhập và cổ phần hóa DNNN...

Về cơ cấu lại chi NSNN, Bộ Trưởng Dũng đánh giá việc này phụ thuộc lớn vào khả năng điều chỉnh lại các chính sách chi cho con người, chi các lĩnh vực sự nghiệp; việc triển khai các nghị quyết số 18, số 19 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tin mới lên