Bất động sản

CIPM Cửu Long đề xuất xây cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng gần 30.000 tỷ đồng

(VNF) - Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - CIPM Cửu Long vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng theo hình thức PPP.

CIPM Cửu Long đề xuất xây cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng gần 30.000 tỷ đồng

CIPM Cửu Long đề xuất xây cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng gần 30.000 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng khoảng 29.602,2 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP, trong đó nhà nước hỗ trợ khoảng 50% chi phí.

Tuyến cao tốc này có điểm đầu tại thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại TP. Sóc trăng, tỉnh Sóc Trăng, có tổng chiều dài 200km. Tuyến được quy hoạch theo quy mô 4 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 24,5m, phân kỳ đầu tư giai đoạn I xây dựng quy mô 4 làn xe hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/h.

CIPM Cửu Long cho biết nếu được thông qua, dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 - 2022 và thực hiện từ 2023 - 2026, trong đó bắt đầu đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây lắp từ năm 2024.

Dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được quy hoạch là trục ngang trong vùng, đi quan các tỉnh gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Hiang và Sóc Trăng là tuyến đường xây dựng mới chạy dọc sông Hậu và song song với Quốc lộ 91, được kỳ vọng là động lực mới cho khu vực Tây Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

CIPM Cửu Long là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, do Bộ Giao thông vận tải đại diện sở hữu. Doanh nghiệp này được thành lập vào giữa năm 2011 trên cơ sở chuyển đổi, tổ chức lại Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và hai công ty khác theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Vốn điều lệ theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổng công ty là 1.500 tỷ đồng, nhưng thực góp đến giữa năm nay mới hơn 136 tỷ đồng.

CIPM Cửu Long đang đảm nhiệm hàng loạt dự án trọng điểm từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện, nghiệm thu, bàn giao đến quyết toán. Tổng công ty ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính đến giữa năm nay của công trình kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 14.200 tỷ đồng, đường hành lang ven biển phía Nam hơn 5.500 tỷ đồng, đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương 5.560 tỷ đồng...

Dù vậy, kết quả kinh doanh nhiều năm liên tiếp của CIPM Cửu Long lại rất khiêm tốn. Điển hình như doanh thu thuần nửa đầu năm 2018 đạt hơn 53 tỷ nhờ các giao dịch với đơn vị chủ quản, trong khi lợi nhuận sau thuế chưa đến một tỷ đồng. Bình quân doanh thu và lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2014-2017 cũng chỉ đạt lần lượt 136 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Đại gia Lê Văn Vọng trở lại, đầu tư dự án nghìn tỷ tại Hòa Bình

Tin mới lên