Tiêu điểm

Chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại Vietsovpetro năm 1995

Trong suốt quá trình phát triển, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tháng 4-1995, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Vietsovpetro, tham quan cơ sở vật chất, thị sát cảng Vietsovpetro và thăm hỏi, động viên tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro.

Chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại Vietsovpetro năm 1995

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm và làm việc tại Vietsovpetro năm 1995.

Báo cáo với Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - Tổng giám đốc Vietsovpetro Ngô Thường San khẳng định: Việc thành lập Vietsovpetro năm 1981 là một kết quả tất yếu khách quan của tình hữu nghị hợp tác truyền thống Việt - Xô. Qua 15 năm, Vietsovpetro đã không ngừng phát triển, góp phần quan trọng đưa ngành Dầu khí trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng yếu của đất nước.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước đã xác định phương hướng, chủ trương, nhiệm vụ cần thực hiện để đẩy mạnh phát triển công nghiệp dầu khí, phát triển ngành Dầu khí trong tổng thể các ngành kinh tế biển với an ninh - quốc phòng.

Cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, nhiều chủ trương có tính chiến lược về phát triển ngành Dầu khí được ban hành để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, tự lực tự chủ. Với những nỗ lực thăm dò địa chất, Vietsovpetro đã phát hiện các mỏ dầu có trữ lượng công nghiệp là Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng.

Năm 1987, Vietsovpetro phát hiện ra thân dầu có trữ lượng lớn tại tầng móng của mỏ Bạch Hổ và ngay sau đó đã có các giải pháp công nghệ phù hợp để khai thác thành công. Đây không chỉ là bước đột phá vô cùng quan trọng của ngành Dầu khí nước ta mà còn làm thay đổi quan điểm tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của lĩnh vực khoa học dầu khí thế giới.

Ông Ngô Thường San trong một buổi gặp với Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

“Cú hích” mạnh đó của Vietsovpetro đã tạo ra lực hấp dẫn mạnh mẽ các công ty nước ngoài đầu tư vào hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Việc gia tăng sản lượng khai thác dầu thô hằng năm của Vietsovpetro đã đem lại nguồn thu ngoại tệ và ngân sách quan trọng cho Nhà nước ta. Từ đây, vai trò của ngành Dầu khí trong nền kinh tế quốc dân ngày càng quan trọng, đóng góp khoảng 1/3 nguồn thu ngân sách hằng năm.

Trong năm 1995, ngành Dầu khí hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành đường ống dẫn khí trên biển đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ và Dinh Cố rồi nối dài lên Bà Rịa - Phú Mỹ, mở ra nền công nghiệp khí Việt Nam. Nhờ có tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công lao, tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà địa chất, lớp cán bộ “đầu đàn” của ngành Dầu khí, chúng ta đã có công trình thu hồi khí đồng hành, để từ đó có được tổ hợp khí - điện - đạm ở Phú Mỹ. Khí vào bờ để sản xuất điện, đạm kịp thời đã đáp ứng phần quan trọng nhu cầu cấp bách về an ninh năng lượng, an ninh lương thực của cả nước.

Ngoài ra, Vietsovpetro đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư có trình độ cao, công nhân lành nghề trong nhiều lĩnh vực như tìm kiếm, thăm dò, thiết kế, xây dựng, vận hành khai thác dầu khí…

Trong buổi làm việc, khi thăm cảng dầu khí, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đặc biệt quan tâm đến vai trò của Vietsovpetro đối với lĩnh vực an ninh - quốc phòng, đặc biệt là việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt các công trình thuộc Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật, còn gọi là giàn DK trên biển.

Kể từ năm 1981 đến năm 1988, Vietsovpetro đã xây dựng được nhiều công trình giàn khoan dầu khí quy mô lớn ngoài mỏ Bạch Hổ như các giàn MSP1, BK2, MSP 3, 4, 5, 6, CPP2... Vietsovpetro là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có cơ sở vật chất kỹ thuật có thể xây dựng các giàn khoan dầu khí lớn ngoài biển tới độ sâu 100m nước.

Công trình DK1-1 đầu tiên xây dựng năm 1989 tại Trường Sa.

Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 180UT về việc xây dựng Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc Ðặc khu Vũng Tàu - Côn Ðảo, nhằm nghiên cứu điều kiện hải văn, đồng thời xác định chủ quyền Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa gần khu vực quần đảo Trường Sa. Vietsovpetro đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng các giàn DK1 trên những bãi ngầm san hô thuộc quần đảo Trường Sa để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.

Tháng 2-1989, Vietsovpetro thành lập Ban Dự án DK1 gồm các thành viên bộ máy điều hành và các doanh nghiệp trực thuộc. Với kinh nghiệm thiết kế và xây lắp các giàn khoan dầu khí tại vùng mỏ Bạch Hổ ở độ sâu nước biển 50m, Vietsovpetro đã đảm nhiệm xây dựng 2 nhà giàn DK1-1 đầu tiên trên bãi cạn Tư Chính là nhà giàn Tư Chính A (Tư Chính 1 hay còn gọi là DK1 - Tư Chính A) và nhà giàn Tư Chính B (Tư Chính 2, hay còn gọi là DK1-2 - Tư Chính B) với yêu cầu cấp bách phải hoàn thành trong năm 1989 đồng thời cùng với 2 nhà giàn do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng trên các bãi cạn Phúc Tần và Ba Kè là DK1-3 và DK1-4.

Chỉ trong thời gian ngắn, với nỗ lực và quyết tâm rất lớn, vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức về nguyên vật liệu, thời tiết, Vietsovpetro đã xây dựng và lắp đặt 4 nhà giàn DK1 đầu tiên trên Biển Ðông thuộc quần đảo Trường Sa, đánh dấu một cột mốc chủ quyền của đất mẹ Việt Nam, vĩnh viễn không thể đổi dời cho muôn đời con cháu mai sau.

Chủ tịch nước Đại tướng Lê Đức Anh cũng đặc biệt quan tâm đến kế hoạch, dự án phát triển xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để bảo đảm an ninh năng lượng của ngành Dầu khí.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh rất vui mừng và đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro với những kết quả đáng khích lệ, đã hoàn thành những nhiệm vụ rất vẻ vang và cũng rất nặng nề trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

(Ghi theo lời kể của Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San, Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (1992-1996)

Xem thêm >> Đại tướng Lê Đức Anh: Nhà quân sự xuất sắc, suốt đời phục vụ cách mạng

Tin mới lên