Thị trường

Chuyển mạng giữ số: Sự 'ế ẩm' của Vietnamobile và thế chân vạc của ngành viễn thông

(VNF) - Là một trong bốn nhà mạng thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, tuy nhiên Vietnamobile đang ngày càng bị các nhà mạng khác bỏ lại phía sau. Đây là nhà mạng có ít thuê bao đăng ký chuyển đến nhất nhưng lại nhà mạng có lượng khiếu nại về dịch vụ này nhiều nhất.

Chuyển mạng giữ số: Sự 'ế ẩm' của Vietnamobile và thế chân vạc của ngành viễn thông

Sự 'ế ẩm' của Vietnamobile và thế chân vạc của ngành viễn thông

Vietnamobile "đội sổ" trong cuộc đua chuyển mạng giữ số

Theo số liệu mới nhất về tình hình triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số của các nhà mạng mà Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tính từ thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số (16/11/2018) đến ngày 21/4/2019, Vietnamobile chỉ có tổng cộng 1.038 thuê bao đăng ký chuyển đến. Trong khi đó, số lượng thuê bao của nhà mạng này đăng ký chuyển sang nhà mạng khác là 23.183 thuê bao.

Trong số này, có 439 thuê bao từ nhà mạng khác đã chuyển đến mạng Vietnamobile thành công, nhưng số lượng thuê bao nhà mạng này đăng ký chuyển đi gấp 28 lần, tương ứng 12.009 thuê bao.

Những con số trên cho thấy sự "hụt hơi" của Vietnamobile trong việc phát triển thuê bao mới và gia tăng thị phần đối với các nhà mạng khác như Viettel, Vinaphone hay Mobifone.

Số liệu thông kê chuyển mạng giữ số của Cục Viễn thông

Một thống kê khác để thấy Vietnamobile đang gặp khó trong việc gia tăng thị phần đó chính là số lượng khiếu nại của các thuê bao về dịch vụ chuyển mạng giữ số.

Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông, trong tổng cộng 1.753 khiếu nại về dịch vụ chuyển mạng giữ số trong tháng 3/2019, Vietnamobile là nhà mạng bị khiếu nại nhiều nhất với 734 khiếu nại. Đáng nói hơn, số lượng khiếu nại mà nhà mạng này xử lý được chỉ chiếm 2%, tương đương 18 khiếu nại.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, chính sách khoán và giảm lương nhân viên khi để mất thuê bao là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân viên của nhà mạng Vietnamobile liên tục gây khó dễ cho khách hàng chuyển mạng. Chính điều này đã gây nên bức xúc lớn đối với người dân.

Khi khách hàng liên tục gặp bức xúc thì chắc chắn sẽ chẳng ai còn muốn chuyển đến một nhà mạng như vậy.

Vietnamobile và thế "chân vạc" của thị trường viễn thông

Trong lá đơn gửi tới Thủ tướng hồi tháng 2/2019, Vietnammobile cho hay nhà mạng này đang ngày càng đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt vì những chính sách bất công và sự độc quyền trong cạnh tranh không cân bằng từ các nhà mạng đại diện cho khối doanh nghiệp nhà nước.

Theo Vietnamobile, thị trường viễn thông Việt Nam hiện là sân chơi của 5 doanh nghiệp gồm: Viettel (50,6% thị phần), Vinaphone (24,8%), Mobifone (20,6%), Vietnamobile (3,6%) và Gtel (0,4%).

Theo Vietnamobile, các doanh nghiệp nhà nước về viễn thông đang nắm giữ trên 95% quỹ tài nguyên tần số quốc gia. Do đó, Vietnamobile kiến nghị Thủ tướng có chính sách công bằng trong việc phân bổ nguồn lực tần số.

Về chính sách quản lý, Vietnamobile cho biết hiện chỉ có Viettel được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường đối với một số các dịch vụ viễn thông quan trọng mà nhà nước cần quản lý cạnh tranh (cụ thể là dịch vụ thông tin di động gồm dịch vụ điện thoại, dịch vụ nhắn tin và dịch vụ truy cập internet). Tuy nhiên, so với các nhà mạng nhỏ, thị phần của Vinaphone và Mobifone cũng gấp tới 8 lần, trong khi các doanh nghiệp này vẫn đang được hưởng nhiều ưu đãi bằng các chính sách bảo hộ không công bằng.

Thị trường viễn thông Việt Nam hiện là sân chơi của 5 doanh nghiệp

Trên thực tế, tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đầu tháng 4/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thừa nhận thị trường viễn thông đang tồn tại thế chân vạc với 3 doanh nghiệp lớn là Viettel, Vinaphone và Mobifone.

"Từ lâu ngành viễn thông di động đã tồn tại thế chân vạc với 3 doanh nghiệp lớn là Viettel, Vinaphone và Mobifone. Do đó, phải kích các doanh nghiệp này, tạo ra sự thay đổi thì từ đó thị trường di động mới phát triển", Bộ trưởng Hùng nhận định.

Một khó khăn khác đối với Vietnamobile hiện nay chính là băng tần. So với 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone, băng tần (yếu tố gần như tiên quyết đến sự phát triển của nhà mạng) của Vietnamobile lại vô cùng khiêm tốn.

Cụ thể, Vietnamobile chỉ có tổng số băng tần 2 x 15MHz (2 x 20 MHz tại khu vực miền Nam), trong khi Viettel có băng tần 2 x 48.2 MHz (2 x 53.2 MHz), Vinaphone có 2 x 43.5 MHz và Mobifone có 2 x 43.3 MHz. Tính chung, dung lượng băng tần của Vietnamobile (40MHz ở khu vực miền Nam và 30 MHz ở miền Bắc và miền Trung) chỉ bằng 1/3 so với các doanh nghiệp lớn.

Theo đại diện của Vietnamobile, chính vì không đủ và hạn chế về băng tần nên đã cản trở nhà mạng thu hút khách hàng mới, cản trở việc khuyến khích sử dụng dữ liệu của thuê bao hiện tại. Đồng thời, việc mạng lưới hoạt động bị hạn chế khiến Vietnamobile không phải là đối thủ cạnh tranh có thể tồn tại.

Rõ ràng, việc cạnh tranh với 3 nhà mạng chiếm thị phần lớn nhất thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay đối với Vietnamobile là điều rất khó. Đây sẽ là những "bộn bề thách thức" mà Vietnamobile cần phải giải quyết nếu không muốn phải rời cuộc chơi như một số mạng di động khác từng có mặt tại Việt Nam là S-Fone hay Beeline.

Tin mới lên