Tài chính

Chuyển giao quyền lực hậu M&A và chuyện quản trị công ty

(VNF) - Thoái vốn Nhà nước theo lô lớn luôn đi kèm với một vấn đề không hề đơn giản là chuyển giao quyền lực, khi mà chỉ sau một phiên đấu giá, cả một doanh nghiệp lớn đổi chủ.

Chuyển giao quyền lực hậu M&A và chuyện quản trị công ty

Chuyển giao quyền lực hậu M&A và chuyện quản trị công ty (Ảnh minh họa)

Mặc dù tiến trình thoái vốn Nhà nước đang có phần chậm lại do những khó khăn chung liên quan đến thủ tục đất đai, định giá doanh nghiệp… cũng như những khó khăn riêng trong nội tại doanh nghiệp nhưng giai đoạn 2 năm tới (2019 – 2020), dự báo làn sóng thoái vốn sẽ sớm quay trở lại, mạnh mẽ hơn, ồ ạt hơn bởi năm 2020 là hạn chót thoái vốn Nhà nước ở hầu hết các doanh nghiệp, theo quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng và Thông báo số 281/TB-VPCP.

Do khối lượng thoái vốn tồn đọng lớn nên nhiều khả năng, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên phương án thoái vốn theo lô lớn, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và cũng đang được các cơ quan quản lý khuyến khích. Thực tế đã cho thấy hiệu quả của phương thức này, ít nhất là trên khía cạnh nguồn thu khi nhìn vào các thương vụ ThaiBev thâu tóm Sabeco hay Công ty An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex.

Tuy nhiên, thoái vốn theo lô lớn luôn đi kèm với một vấn đề không hề đơn giản là chuyển giao quyền lực, khi mà chỉ sau một phiên đấu giá, cả một doanh nghiệp lớn đổi chủ. Thương vụ An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex có thể coi là một “điển hình sớm” cho sự phức tạp trong chuyển giao quyền lực hậu M&A, cần được mổ xẻ để rút ra những kinh nghiệm cho hàng loạt thương vụ thoái vốn sắp tới.

Đầu tiên phải kể đến việc “tạo điều kiện” để sớm chuyển giao quyền lực. Theo quy định tại Điều 114 Khoản 2 Luật Doanh nghiệp 2014, để được đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty liên tục ít nhất 6 tháng.

Tuy nhiên, dù chỉ mới chính thức sở hữu cổ phần Vinaconex khoảng hơn 1 tháng nhưng An Quý Hưng đã được SCIC tạo điều kiện đã tiếp quản hoàn toàn Vinaconex tại đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 1/2019.

Việc cho phép “tiếp quản sớm” không khó hiểu dưới góc độ thuận mua - vừa bán. Nhưng dưới góc độ pháp lý, việc này làm phát sinh những vấn đề không đáng có.

Một trong những lý do khiến nhóm cổ đông thiểu tại Vinaconex khởi kiện và yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019 chính là bởi trong quá trình giao quyền quản trị, điều hành từ cổ đông cũ sang cổ đông mới, mặc dù chưa đủ điều kiện về thời gian nắm giữ nhưng An Quý Hưng vẫn yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Dù sau đó, yêu cầu này bị hủy bỏ do các cổ đông thiểu số khởi kiện cũng chưa đủ thời gian 6 tháng nắm giữ cổ phiếu nhưng điều đó cũng cho thấy việc cho phép An Quý Hưng “tiếp quản sớm” Vinaconex đã gây ra ít nhiều hệ lụy.

Một vấn đề nữa rất có thể phát sinh trong tương lai là khi nhóm cổ đông thiểu số đủ thời gian nắm giữ cổ phần (6 tháng), họ lại tiếp tục khởi kiện và tòa án đồng ý áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019 thì một lần nữa, HĐQT Vinaconex lại tê liệt. Một trong những nguyên nhân khởi kiện, rất có thể, một lần nữa là chuyện An Quý Hưng chưa đủ thời gian nắm giữ cổ phần 6 tháng đã yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019.

Rõ ràng, nếu làm theo trình tự 6 tháng, nguy cơ tê liệt của HĐQT Vinaconex sẽ thấp hơn nhiều. Các cổ đông mới cũng có đủ thời gian để ngồi xuống bàn bạc việc phân chia quyền lực, tránh phát sinh những xung đột không đáng có.

Sau thoái vốn Nhà nước theo lô lớn, một bài toán cần giải quyết ổn thỏa là chuyển giao quyền lực, để doanh nghiệp sau khi rời tay Nhà nước về tay tư nhân hoạt động hiệu quả hơn, đem lại nhiều lợi ích của cổ đông và các bên liên quan hơn

Vấn đề thứ hai liên quan đến chuyển giao quyền lực ở Vinaconex hậu M&A là việc xung đột quyền lực giữa nhóm cổ đông thiểu số và cổ đông đa số (An Quý Hưng).

Đây là vấn đề muôn thủa, từng xảy ra ở nhiều công ty cổ phần ở Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là ở các công ty mà cổ đông lớn nhất sở hữu trên 50% vốn điều lệ nhưng chưa đủ quyền quyết định hoàn toàn tại đại hội đồng cổ đông. Nhiều trường hợp còn sở hữu dưới 50% vốn điều lệ nhưng do cổ đông tản mác, không tập hợp đủ tiếng nói nên quyền hành rơi cả vào tay cổ đông lớn nhất.

Riêng tại Vinaconex, bên cạnh việc kiểm soát được HĐQT, An Quý Hưng còn tiến hành “thay máu” nhân sự tại không chỉ công ty mẹ và một loạt các công ty con, điều này khiến nhóm cổ đông thiểu số lo ngại vì các nhân sự hàng chục năm kinh nghiệm bị thay bằng các nhân sự mới với mục tiêu chủ yếu là để gia tăng quyền lực.

Nhưng điểm gây xung đột nhất là việc HĐQT mới của Vinaconex tiến hành sửa quy chế tài chính, theo đó cho phép Chủ tịch HĐQT được ủy quyền quyết định việc huy động vốn/đầu tư vốn ra ngoài tổng công ty/đầu tư dự án, mua sắm tài sản cố định/cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản/thanh lý, nhượng bán tài sản có giá trị từ lớn hơn 5% đến 10% tổng tài sản.

Cùng với đó, Tổng giám đốc được ủy quyền quyết định các vấn đề tương tự, nhưng giá trị bằng hoặc nhỏ hơn 5% tổng tài sản.

Với tổng tài sản gần 10.000 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2018 của Vinaconex) thì Chủ tịch Vinaconex được quyết tối gần 1.000 tỷ đồng, Tổng giám đốc được quyết tối đa gần 500 tỷ đồng.

Trước đây, Chủ tịch và Tổng giám đốc Vinaconex chỉ được quyết lần lượt 15 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ai là “ông chủ” thực sự của An Quý Hưng còn chưa rõ, cơ cấu nguồn vốn của An Quý Hưng còn nhiều vấn đề (nợ phải trả rất lớn, từng thế chấp toàn bộ cổ phần tại Vinaconex để vay vốn qua trái phiếu nhưng không thành công) thì việc trao quyền quá lớn cho cá nhân là người của An Quý Hưng không khỏi khiến nhóm cổ đông thiểu số lo ngại.

Tình trạng xung đột giữa các nhóm cổ đông không phải là chuyện lạ. Từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, tại Mỹ đã nổi lên tranh luận về vấn đề xung đột quyền lực, khi một/một vài cổ đông sở hữu trên 50% cổ phần được đưa ra những quyết định có thể gây thiệt hại đến các cổ đông nắm giữ đến gần 50% cổ phần còn lại.

Chiếu theo thông lệ quốc tế, năm 2007, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC quy định riêng về vấn đề quản trị công ty niêm yết, tựu chung là hệ thống các quy tắc để đảm bảo cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan đến công ty.

Cùng với đó, pháp luật cũng có các quy định về các cơ chế độc lập như Thành viên HĐQT độc lập, Ban Kiểm soát hay Tiểu ban kiểm toán độc lập.

Tuy nhiên nhìn chung tại Việt Nam, các quy tắc quản trị công ty cũng như các cơ chế độc lập do pháp luật ban hành hoặc không đi vào thực tế đời sống, hoặc chỉ là “hổ giấy”, không có thực quyền.

Để tránh lạm dụng quyền cổ đông, nguyên tắc chung trên thế giới cũng như ở Việt Nam là phải minh bạch. Tuy nhiên, nguyên tắc này chưa được pháp luật cụ thể hóa một cách mạnh mẽ trong khi các trường hợp sở hữu chéo, sở hữu kim tự tháp (sở hữu gián tiếp) hiện rất nhức nhối. Điều này gây ra “vấn đề ông chủ và người đại diện”. Trong nhiều trường hợp, đa số cổ đông không biết “ông chủ” thực sự của doanh nghiệp là ai mà chỉ biết đến một/một vài người đại diện.

Tin mới lên