Diễn đàn VNF

Chuyên gia: 'Tính lại bài toán công nghiệp ô tô từ điểm nhấn VinFast

(VNF) - TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng đã đến lúc tổ chức hệ sinh thái doanh nghiệp là vai trò của Chính phủ để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô, sau những kết quả gần đây của VinFast và Thaco,

Chuyên gia: 'Tính lại bài toán công nghiệp ô tô từ điểm nhấn VinFast

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội.

Xoay quanh vấn đề Chính phủ có nên ra những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm khuyến khích các nhà sản xuất ô tô nội địa như VinFast, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng vấn đề là Chính phủ phải đặt ra là liệu đã đến lúc coi công nghiệp ô tô là mũi nhọn.

Bởi theo ông, đây là một trong những động lực của nền kinh tế Việt Nam. Điểm mới của ngành này là do nhà đầu tư và các thành phần kinh tế khác đứng ra thực hiện, không giống như trước đây là do Chính phủ cầm trịch cho 14 công ty ô tô liên doanh vào Việt Nam thực hiện.

“Vấn đề ở đây là tổ chức hệ sinh thái doanh nghiệp là vai trò của Chính phủ, chứ không phải vai trò của VinFast hay là Thaco, nếu muốn kinh tế phát triển, ngành ô tô Việt Nam phát triển thì Chính phủ phải đứng ra tổ chức một hội nghị liên kết các doanh nghiệp trong nước, giống như hội nghị mà Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa XIII đã tổ chức cùng với Bộ KH&ĐT và Samsung để liên kết với các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam”, ông nói.

Trên thực tế, việc các doanh nghiệp phụ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho một ngành tuy không mới mẻ nhưng rất ít tỷ phú tại Việt Nam thực hiện, ông cho hay vấn đề cần quan tâm trước tiên là: “phải xem VinFast đã ký hợp đồng mua license ở những lĩnh vực nào, còn những lĩnh vực như dây điện, nhựa, ghế, lốp… thì có thể ủy quyền cho VinFast đứng ra mua rồi giao cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất theo license đấy, mà những doanh nghiệp này là doanh nghiệp phụ trợ”.

“Như vậy, chúng ta giải quyết được khâu các doanh nghiệp nhỏ ít vốn trong việc mua giấy phép sản xuất. Vấn đề đặt ra là VinFast đã mua license rồi thì Chính phủ phải làm gì, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô của VinFast thì chính sách thuế phải thế nào, chính sách ưu đã khoa học công nghệ ra sao… Đó là những vấn đề cần quan tâm”, ông phân tích.

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Kiên, cần phải thành lập được một hội đồng để thông qua đó trao đổi, bàn luận về các chính sách thuế, chính sách đãi ngộ cho các doanh nghiệp liên quan. Các khu công nghiệp xung quanh VinFast cũng phải ưu đãi để các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ liên kết lại.

“Đối với những doanh nghiệp dựa vào vị thế, yếu tố địa lý của họ để sản xuất ra sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô có giá thành thấp nhất, thì cũng phải hỗ trợ cho họ thuê lại đất sạch”, ông nói.

“Vấn đề không phải là cấp đất cho họ mà là cho họ thuê đất sạch. Nhà nước hỗ trợ và phải yêu cầu công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp đó về trình độ. Nếu họ có các yêu cầu kỹ thuật, nhưng các trường nghề của chúng ta không đào tạo được thì phải trích phần ngân sách đào tạo nghề  của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) ra và cấp cho các doanh nghiệp đấy, để họ nhận công nhân và hưởng kinh phí đào tạo nghệ của các công nhân như là của các trường cao đẳng nghề, có như vậy chúng ta mới hỗ trợ để họ đào tạo được”, vị TS nhấn mạnh thêm.

Ông cũng dẫn chứng số liệu nếu các doanh nghiệp đào tạo 200 người mà chỉ nhận 150 người thì chỉ được thanh toán 150 người và 50 người họ trả lại cho nhà nước.

Với vấn đề làm sao để xác định rõ doanh nghiệp ô tô trong nước và doanh nghiệp liên doanh, ông cho hay đó là những hành động mà Chính phủ phải làm rất cụ thể.

“Phải xác định Thaco, VinFast là doanh nghiệp Việt Nam hay là doanh nghiệp liên doanh? Liệu có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp liên doanh không? Vấn đề quan trọng nhất cần phải xác định Thaco xây dựng thị trường ô tô ở nội địa Việt Nam là như thế nào? Đối với VinFast thì vấn đề thuế phụ tùng khi doanh nghiệp này nhập vào sẽ được tính ra sao…”, ông nêu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng cần phải nhìn nhận một thực tế là VinFast là đơn vị tiên phong đã bỏ ra 2 tỷ USD (tương đương 45.000 tỷ đồng Việt Nam) để xây dựng nhà máy và đầu tư trang thiết bị. Cho nên, theo ông Kiên, với việc xây dựng nhà máy và đầu tư trang thiết bị như vậy thì không thể nói VinFast không phải là sản xuất ô tô.

“Hiện nay chúng ta không có license để sản xuất động cơ, VinFast đã mua license để yêu cầu sản xuất theo đơn vị đó. Theo nguyên tắc và công ước Bern thì động cơ đấy là của VinFast, thiết kế cũng của doanh nghiệp này”, ông Kiên nói.

Tin mới lên