Tài chính

Chuyên gia: Sự tăng giảm của NDT và USD sẽ không tác động quá lớn lên VND

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá và USD tăng giá sẽ không tác động mạnh và đáng lo ngại lên đồng tiền Việt Nam (VND).

Chuyên gia: Sự tăng giảm của NDT và USD sẽ không tác động quá lớn lên VND

Sự tăng giảm của NDT và USD sẽ không tác động quá lớn lên VND

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, sự tăng, giảm của hai đồng tiền này sẽ tác động đến đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại đầu tư đối với hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, không có tác động quá lớn lên VND và tốc độ giảm giá của VND không nhiều.

Thực tế cho thấy, chúng ta đã có sự điều chỉnh và thay đổi phương thức quản lý tỷ giá qua việc Ngân hàng Nhà nước ấn định giá của đồng tiền và tỷ giá của VND so với các tiền đồng khác sang tỷ giá trung tâm được công bố hàng ngày. Cơ chế quản lý tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ gồm 8 loại tiền chủ chốt như: USD, EUR, JPY, NDT, SGD...; trong đó, tỷ giá của NDT đối với VND không lớn nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ tương đối độc lập, đồng tiền Việt Nam có giá trị riêng và phản ánh đúng giá trị nên khi đồng USD tăng hay giảm giá cũng không tác động nhiều đến VND.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cho rằng, trong 7 tháng vừa qua, tỷ giá trên thị trường có sự biến động trái chiều trên thị trường chính thức và thị trường tự do. Tại thị trường chính thức tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,11%, tỷ giá của các Ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,2%, trong khi đó tỷ giá trên thị trường tự do giảm cộng với xu thế nới lỏng tiền tệ của các quốc gia trên thế giới nên từ nay đến cuối năm tỷ giá của VND sẽ có tác động thuận lợi và bất lợi.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh phân tích, các yếu tố tích cực tác động đến tỷ giá là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang tăng và ở mức kỷ lục với 68 tỷ USD. Đây là điều kiện hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước kiên định thực hiện điều hành tỷ giá linh hoạt và đảm bảo tránh những "cú sốc" bằng việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá, dù diễn biến trên thị trường khá ổn định. Điều này góp phần làm giảm chênh lệch tỷ giá trên thị trường chính thức và thị trường tự do, giúp chúng ta hạn chế được những "cú sốc" từ bên ngoài.

Theo PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, hoàn toàn có đủ dư địa để ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm và mức độ giảm giá trong cả năm từ 2% - 2,5%.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, Học viện Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp cụ thể để điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất như: ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, duy trì thanh khoản VND giúp cho các ngân hàng có dòng tiền. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm để theo đà tăng của sự giảm giá các đồng tiền, nhưng điều này vẫn đảm bảo sự kiểm soát nhằm ổn định và cân đối nền kinh tế.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc điều hành tỷ giá là một nghệ thuật vừa có tính nguyên tắc cứng, nhưng phải mềm dẻo, linh hoạt trong mọi tình huống, tỷ mỉ và cẩn trọng điều hành dựa trên các mối quan hệ của nền kinh tế.

“Việc điều hành dựa trên ý chí và mong muốn của nhà quản trị, điều kiện thực tế của nền kinh tế và các điều kiện khác cũng như dự trữ ngoại hối để điều chỉnh một cách hợp lý nhằm đảm bảo cân đối vĩ mô, lạm phát, góp phần đảm bảo tăng trưởng của nền kinh tế”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Tin mới lên