Diễn đàn VNF

Chuyên gia chỉ rõ 3 ‘lỗ hổng’ trong bảo vệ cổ đông của Luật Doanh nghiệp hiện hành

(VNF) - Các quy định về trách nhiệm đền bù thiệt hại của người quản lý công ty trong ký kết các giao dịch với người có liên quan, mức độ dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty là những nội dung yếu nhất trong số các nội dung cấu thành cơ chế bảo vệ nhà đầu tư ở nước ta”, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) nói tại Hội thảo Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được tổ chức hôm nay (15/10).

Chuyên gia chỉ rõ 3 ‘lỗ hổng’ trong bảo vệ cổ đông của Luật Doanh nghiệp hiện hành

Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này không chỉ giải quyết bất cập mà là chủ động nâng cao chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực quản trị doanh nghiệp theo quốc tế, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế. Chính vì vậy, quản trị công ty là một trong những nội dung cần đặc biệt chú ý trong lần sửa đổi luật này.

“Bảo vệ cổ đông là một nội dung quan trọng nhất của khung pháp luật về quản trị công ty. Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và thông qua đó sẽ thúc đẩy và huy vốn động đầu tư. Nguyên tắc quan trọng của cơ chế bảo vệ cổ đông là đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt bởi cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty; xung đột lợi ích trong công ty phải được kiểm soát; tạo điều kiện dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty khi vi phạm trách nhiệm trong điều hành công ty”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Từ thực tế quản trị công ty ở Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu chỉ ra 3 vấn đề bất cập nhất hiện nay trong bảo vệ cổ đông.

Thứ nhất, một số quy định về quyền cổ đông chưa phù hợp, đã cản trở cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty và tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty. Ví dụ, các khoản 2 Điều 114, khoản 4 Điều 149 Luật Doanh nghiệp yêu cầu cổ đông phải có thời gian sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần và trong 6 tháng liên tục mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị (HĐQT). Theo ông Phan Đức Hiếu, yêu cầu, điều kiện này là cao hơn so với thực tế đã dẫn đến khó khăn cho cổ đông, đặc biệt cổ đông mới của công ty, thực hiện quyền của mình.

Thứ hai, các cổ đông chưa thực sự thuận lợi trong khởi kiện người quản lý do vi phạm trong điều hành công ty hoặc ngăn ngừa họ ký kết và thực hiện giao dịch gây thiệt hại cho công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông hiện không có quyền tiếp cận các thông tin về giao dịch giữa công ty với người có liên quan, không được quyền tiếp cận các nghị quyết của Hội đồng quản trị… Do không có thông tin, cổ đông khó có thể khởi kiện và càng ít cơ hội khởi kiện thành công người quản lý khi họ vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm trong điều hành công ty.

Ngoài ra, một số quy định khác của Luật Doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp cũng chưa rõ ràng và chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, khoản 2 Điều 164 Luật Doanh nghiệp yêu cầu kiểm soát viên công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên là yêu cầu cao hơn so với thực tế; do số lượng kiểm toán viên, kế toán viên đã có chứng chỉ, đáp ứng đủ yêu cầu Luật doanh nghiệp là không nhiều.

Để khắc phục khiếm khuyết nêu trên và nâng cao khung khổ quản trị công ty theo chuẩn mực thông lệ quản trị tốt khu vực và thế giới, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị Luật doanh nghiệp có một số sửa đổi, bổ sung cơ bản như sau:

Thứ nhất, sửa đổi thời hạn góp vốn điều lệ bằng máy móc, thiết bị, tài sản khi thành lập doanh nghiệp theo hướng quy định thời hạn 90 ngày phải góp đủ vốn Điều lệ không bao gồm thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính đối với máy móc, thiết bị và tài sản góp vốn để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp cần mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.

Ví dụ, sửa đổi các khoản 2 Điều 114, khoản 2 Điều 135, khoản 4 Điều 149, khoản 1 Điều 161 để mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền của mình, như: bãi bỏ nội dung hạn chế về thời hạn tối thiểu sở hữu cổ phần đối với cổ đông để có thể thực hiện một số quyền nhất định; bổ sung quyền cho Đại hội đồng cổ đông quyết định thù lao HĐQT, quyết định lựa chọn kiểm toán độc lập; bổ sung khoản 4 Điều 115 để quy định rõ trách nhiệm của cổ đông trong việc bảo mật các thông tin mà cổ đông có quyền được xem xét, tra cứu, trích lục từ công ty nhằm tránh và ngăn ngừa cổ đông lạm dụng quyền tiếp cận thông tin của mình....

Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu đề xuất Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho phép chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên (không phải là doanh nghiệp nhà nước) quyết định và lựa chọn cơ chế kiểm soát công ty phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, thay vì bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập Ban kiểm soát như quy định hiện hành.

Tin mới lên