Chuỗi rắc rối không hồi kết của Elon Musk và Tesla

Hà Thu - 01/10/2018 12:44
Elon Musk thường bị chỉ trích vì hành động tùy hứng và phát ngôn bất cẩn, còn Tesla vẫn vật lộn với việc giao hàng và thiếu thốn tiền mặt.
1
Chủ tịch kiêm CEO Tesla - Elon Musk. Ảnh: AFP

Thứ Sáu tuần trước, CEO kiêm Chủ tịch hãng xe điện Tesla - Elon Musk bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) kiện vì dòng tweet gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư. Một ngày sau, ông chấp nhận một thỏa thuận với SEC để dàn xếp việc này. Musk phải rời chức Chủ tịch trong 45 ngày, nộp phạt 20 triệu USD và cẩn trọng hơn trong việc phát ngôn.

Dù vậy, CEO nổi tiếng nhiệt tình và cuồng công việc của Tesla chẳng có dấu hiệu nào là sẽ thay đổi phong cách của mình. Sáng sớm Chủ nhật, chỉ vài giờ sau khi đạt thỏa thuận với SEC, Musk gửi email cho toàn bộ nhân viên, động viên họ làm việc chăm chỉ, bất chấp đó là ngày cuối tuần.

“Thêm một ngày làm việc cực kỳ cố gắng nữa và chiến thắng sẽ là của chúng ta”, ông viết, “Chúng ta đã rất gần lợi nhuận rồi và đang chứng minh cho những kẻ bi quan ngoài kia thấy là họ đã sai lầm. Nhưng, để chắc chắn, chúng ta cần làm việc thực sự tốt ngày mai (Chủ nhật). Nếu chúng ta nỗ lực hết sức ngày mai, chúng ta sẽ giành thắng lợi lịch sử, vượt xa mong đợi. Tiến lên Tesla”.

Giới phân tích thì không lạc quan như vậy. Họ cho rằng, những tháng sắp tới, Tesla sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nữa.

Công ty này vẫn đang vật lộn với việc sản xuất và giao hàng mẫu xe Model 3 - chìa khóa cho tình hình tài chính của họ trong tương lai. Tesla đang rất thiếu tiền mặt và sắp đến hạn trả nợ trái phiếu. Đặt cược giá cổ phiếu Tesla tiếp tục giảm nên nhiều nhà đầu tư vẫn thích lựa chọn công cụ "bán khống" với cổ phiếu của công ty này. SEC thì vẫn điều tra các cam kết trước đó của công ty này về mục tiêu sản xuất. Còn Bộ Tư pháp Mỹ cũng chẳng bỏ qua dòng tweet của Musk.

Bản thân Musk - ông chủ của SpaxeX và Boring Company - vẫn đóng vai trò chủ chốt ở đây, vẫn có những hành động ngẫu hứng khiến các công ty thường xuyên dính vào rắc rối. “Tôi có cảm giác SEC muốn ban lãnh đạo Tesla có nhiều người lớn hơn”, Peter Henning - giáo sư luật tại Đại học Wayne nhận xét trên NYT, “Nhưng Musk liệu có chịu nghe họ không?”.

10 năm qua, kể từ khi trở thành CEO Tesla, Musk luôn tham gia vào mọi công việc tại đây. Ông là người cổ vũ, lập chiến lược, quyết định gần như tất cả mọi việc quan trọng và tham gia vào mọi chi tiết của việc thiết kế và sản xuất.

Chuỗi rắc rối không hồi kết của Elon Musk và Tesla

Mẫu xe Model 3s của Tesla. Ảnh: WSJ

Sự khắc nghiệt và cuồng việc của Musk đã khiến hàng loạt lãnh đạo công ty ra đi vài năm gần đây. Hội đồng quản trị của Tesla cũng không hề độc lập như nhiều công ty lớn khác. Các điều khoản dàn xếp của SEC muốn thay đổi phần nào điều đó.

Theo thỏa thuận, Tesla sẽ phải đưa vào hội đồng hai thành viên độc lập, Musk sẽ không được làm chủ tịch trong 3 năm và hội đồng sẽ phải thành lập một ủy ban vĩnh viễn để giám sát phát ngôn của Musk với nhà đầu tư và công chúng, kể cả những bài đăng của ông trên mạng xã hội. Thành viên của ủy ban này sẽ phải do SEC chấp thuận và giám sát.

Tesla cũng phải “thực hiện quy trình bắt buộc nhằm kiểm soát toàn bộ phát ngôn của Musk, dưới mọi hình thức, liên quan đến công ty”. SEC sẽ giám sát để đảm bảo Tesla thực hiện đúng quy trình này.

Một số người chỉ trích cho rằng các yêu cầu của SEC quá dễ dãi với Musk. Jay Clayton - chủ tịch SEC thì giải thích Musk là người cực kỳ quan trọng với Tesla. Vì thế, họ cần có sự cân bằng khi cân nhắc giữa hình phạt với “kỹ năng và sự hỗ trợ của các cá nhân” quan trọng “với thành công trong tương lai của một công ty”.

Rebecca Roiphe - giáo sư tại Trường luật New York cũng cho rằng bắt Musk rời chức quản lý sẽ là một sai lầm. “Cấm ông ấy làm CEO sẽ gây ra sự mất cân bằng lớn, nếu xét đến những gì ông ấy đã làm và thực tế rằng ông ấy là nhà sáng lập, cổ đông lớn kiêm bộ não đằng sau một công ty đầy tính đột phá như vậy”, bà cho biết. Với vai trò là cơ quan điều tiết, những gì SEC làm chỉ là để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

Dòng tweet hồi tháng 8 về việc Musk đã có đủ vốn mua lại Tesla với giá 420 USD một cổ phiếu đã khiến nhiều người quên đi những mối lo thực sự về sản phẩm và tài chính của hãng xe này. Chính email của Musk cuối tuần trước cũng cho thấy ông đã bớt lạc quan hơn các dự báo trước đây do chính mình đưa ra.

Từ cuối tháng 6, ông đã khẳng định Tesla sẽ có lợi nhuận và dòng tiền dương trong cả quý III và quý IV. Tuy nhiên, vài tuần gần đây, Tesla đã phải giảm chi phí và ngừng chi tiêu, với kỳ vọng có lợi khi doanh số Model 3 tăng lên. Hồi tháng 6, họ cắt giảm 9% nhân lực, và gần đây lại ngừng làm một số phiên bản màu cho Model 3. Họ cũng hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp. Đến đầu quý III, Tesla đã nợ các nhà cung cấp 3 tỷ USD.

“Tôi cảm thấy rất khó tin rằng họ sẽ có lợi nhuận, theo các tiêu chuẩn thông thường”, Karl Brauer - lãnh đạo hãng nghiên cứu xe hơi Kelley Blue Book nhận xét, “Anh có thể sáng tạo trong sổ sách về định nghĩa lợi nhuận, và loại bỏ một số chi phí nào đó”.

Nhiều nhà phân tích vẫn đang tập trung vào việc có bao nhiêu chiếc Model 3 đang được sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại, số liệu quan trọng hơn là bao nhiêu chiếc sẽ được giao. Các công ty như Ford Motor hay General Motors đều ghi nhận doanh thu khi xe của họ được chuyển đến đại lý. Còn Tesla, không như các hãng xe khác, không có doanh thu cho đến khi giao chúng cho khách hàng.

Các vấn đề về giao hàng sẽ khiến doanh thu Tesla tăng trưởng chậm, kể cả nếu họ có thể tăng sản xuất. Vài tuần qua, Tesla vẫn vật lộn với việc chuyển xe đến khách mua.

Ngày 16/9, chỉ 9 ngày sau khi tuyên bố công ty đã có một quý tuyệt vời, Musk thừa nhận trên Twitter rằng họ đang gặp “thảm họa logistics”. Vấn đề này nghiêm trọng đến mức Musk từng gợi ý các chủ xe hiện tại tình nguyện hỗ trợ các trung tâm giao hàng trên cả nước.

“Sự khác biệt giữa một hãng xe phục vụ thị trường ngách và thị trường đại trà là cực lớn. Khi bạn tăng quy mô, việc giao xe đến mỗi khách hàng cá nhân là cực kỳ đắt đỏ”, Brauer cho biết.

Các nhà phân tích đang chờ đợi liệu báo cáo lợi nhuận quý III của Tesla có đạt mục tiêu của Musk về dòng tiền dương hay không. Quý II, Tesla lỗ hơn 740 triệu USD và đốt hơn 430 triệu USD tiền mặt.

Việc này càng trở nên đáng lo khi Tesla sẽ phải đáo hạn 230 triệu USD trái phiếu tháng tới. Tháng 3 năm sau, họ sẽ phải trả thêm 920 triệu USD nữa. Họ có thể trả bằng cổ phiếu, nhưng chỉ khi giá trái phiếu trên 360 USD. Mà cuối tuần trước, con số này chỉ là 265 USD, sau khi mất tới 14% một ngày vì Musk bị SEC kiện.

Các nhà phân tích, và cả SEC, đều đang theo dõi từng hành động và lời nói của Musk để xem liệu việc quản trị doanh nghiệp tại Tesla có thay đổi hay không. Những gì SEC muốn hiện tại là HĐQT giám sát Musk, để đảm bảo ông không nói ra điều gì có thể đẩy cả bản thân và công ty vào rắc rối thêm nữa.

Xem thêm >> Nga: Mỹ phong tỏa đường biển chẳng khác gì ‘tuyên bố chiến tranh’

Quảng cáo