Diễn đàn VNF

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: 'Mỗi doanh nhân là một câu chuyện của đất nước này'

(VNF) - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng mỗi doanh nhân là một câu chuyện của đất nước này – câu chuyện của những người khai phá và sau mỗi thành công của họ đều có vị mặn chát của mồ hôi và nước mắt.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: 'Mỗi doanh nhân là một câu chuyện của đất nước này'

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc

Trao đổi nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2019), ông Vũ Tiến Lộc cho biết sau 1/3 thế kỷ đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo.

"Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký). Xét về bản chất kinh tế, đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế - là doanh nghiệp theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường", ông Lộc nói.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng điều đáng nói là về chất lượng: chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình  trong tương quan so sánh với ASEAN.

"Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi. Chúng ta có những doanh nhân riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thiên hạ, đặc biệt các doanh nghiệp Việt khó kết nối với nhau và các chuỗi giá trị toàn cầu", ông Lộc nhận định.

Xết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị của ASEAN về các doanh nghiệp niêm yết, ông Lộc cho biết chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN.

Năng lực doanh nghiệp theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới chúng ta cũng mới chỉ được xếp ở hạng ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động chúng ta cũng chưa cao so với các nước trong khu vực.

"Một doanh nhân đã nói với tôi, từ khi trở thành doanh nhân, vợ chồng ông ăn không ngon, ngủ không yên… Đó là sự hy sinh lớn. Mỗi doanh nhân là một câu chuyện của đất nước này – câu chuyện của những người khai phá, và sau mỗi thành công của họ đều có vị mặn chát của mồ hôi và nước mắt…", Chủ tịch VCCI nói.

Người đứng đầu VCCI nhận định việc nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Do vậy không chỉ cần tập trung vào số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Trong định hướng nâng cấp doanh nghiệp, phát triển bền vững và chuyển đổi số là 2 "đường ray" chính. Doanh nghiệp phát triển phải hiệu quả, phải nhân văn, phải vì cộng đồng, phải thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là động lực.

Doanh nhân cũng cần chung tay với Đảng và nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Đổi mới thể chế và nâng cấp doanh nghiệp phải là hai nhiệm vụ song hành", ông Lộc khẳng định.

Tin mới lên