Tài chính

Chủ tịch SCIC: Bán vốn nhà nước là cả một nghệ thuật

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nắm giữ vốn tại 146 doanh nghiệp. Để đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của SCIC trong năm 2017 là tiếp tục đẩy mạnh bán vốn nhà nước.

Chủ tịch SCIC: Bán vốn nhà nước là cả một nghệ thuật

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC

Ông Nguyễn Đức Chi nói:

"Năm 2016, thị trường tài chính cũng như thị trường chứng khoán thế giới và khu vực khu vực có rất nhiều biến động, nhất là vào những tháng cuối năm, khi Hoa Kỳ chuẩn bị bầu cử Tổng thống. Việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi nhiều quỹ đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Việt Nam. Do vậy, công tác thoái vốn rất khó khăn.

Mặc dù vậy, năm 2016, SCIC vẫn thoái vốn thành công tại 73 doanh nghiệp, trong đó có 37 doanh nghiệp phải bán nhiều lần vì rất khó bán. Tổng vốn chúng tôi bán được trong năm 2016 là 3.038 tỷ đồng, thu về cho Nhà nước 16.112 tỷ đồng, tức là gấp 5,2 lần giá trị vốn bán ra".

- Thưa ông, kết quả trên thực ra chủ yếu là nhờ việc bán được 5,4% vốn nhà nước tại Vinamilk?

Ông Nguyễn Đức Chi: Tôi không phủ nhận điều này. Cụ thể, ngày 12/12/2016, SCIC bán được 5,4% vốn nhà nước tại Vinamilk, thu về 11.286 tỷ đồng, gấp 28 lần giá vốn. Nhưng nếu không tính giao dịch này thì trong giai đoạn 2011 - 2015, SCIC đã bán vốn tại hơn 410 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước 8.726 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách, trong khi các doanh nghiệp nói chung bán vốn chỉ thu về cho Nhà nước gấp 1,2 - 1,3 lần giá trị sổ sách.

Số tiền thu về cho Nhà nước gấp 2,4 lần giá vốn bán ra, nhưng tôi khẳng định, SCIC không bán đắt, nhà đầu tư cũng không mua hớ, mà giá này được bán theo đúng thị trường, đúng giá trị thực.

- SCIC có kinh nghiệm gì trong việc thoái vốn, nhất là thoái vốn tại những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khó khăn tài chính?

Theo quy định hiện hành, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo hình thức bán cả lố (theo lô) hay chia nhỏ ra để bán. Lựa chọn hình thức bán vốn nào, với doanh nghiệp nào, ở thời điểm nào phải phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường và phải tuân theo quy luật của thị trường. Có những trường hợp, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trước khi bán vốn. Có nhiều trường hợp, trước khi bán vốn, phải tiến hành tái cơ cấu cả tài chính, hoạt động sản xuất - kinh doanh, bộ máy tổ chức... để doanh nghiệp hoạt động tốt lên, hàng hóa chất lượng hơn, từ đó, giá bán tốt hơn, bán đắt hàng hơn.

Ví dụ, nếu năm 2016, SCIC bán vốn nhà nước tại Công ty Xuất nhập khẩu nông sản An Giang chắc chắn sẽ thua lỗ, bởi công ty này đang đứng trên bờ vực phá sản. Vì vậy, thay vì bán vốn bằng mọi giá, chúng tôi tập trung tái cơ cấu toàn diện và kết quả là cuối năm 2016, công ty này đã thoát lỗ. Với đà đó, năm 2017, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản An Giang sẽ tiếp tục phát triển, giá trị phần vốn nhà nước tăng lên, bán vốn nhà nước không chỉ dễ dàng hơn, mà còn thu về được giá trị thặng dư thay vì bị mất vốn.

Trường hợp khác, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang là một doanh nghiệp làm ăn rất tốt, sản phẩm của họ đã xuất khẩu được sang Hoa Kỳ, nhưng trên thực tế, sự phát triển của công ty này đã đến giới hạn và theo quy luật, khi lên đỉnh cao sẽ đi xuống nếu không tìm được hướng đi mới. Trước thực tế đó, chúng tôi tiến hành tái cấu trúc, xây dựng chiến lược phát triển mới trong 5 - 10 năm tới và đây chính là cơ sở vô cùng quan trọng để nhà đầu tư quan tâm đến Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang khi SCIC thoái vốn.

- Cụ thể, năm 2017, SCIC có kế hoạch thoái vốn thế nào, thưa ông?

Bán vốn nhà nước là cả một nghệ thuật, phải vận dụng uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với từng trường hợp cụ thể và tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của thị trường ở từng thời điểm mới tránh được thất thoát, nhưng nói chung, phải minh bạch mọi hoạt động, cơ cấu tổ chức, bộ máy, tình hình tài chính… Bởi nhà đầu tư chỉ bỏ tiền ra khi họ nắm được toàn bộ thông tin về doanh nghiệp.

Hiện tại, SCIC đầu tư vốn tại 146 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 18.814 tỷ đồng. Vì vậy, một trong những trọng tâm của chúng tôi trong năm 2017 là bán vốn nhà nước. Để bán vốn thuận lợi, SCIC yêu cầu tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, vì khi niêm yết, doanh nghiệp phải công khai toàn bộ thông tin theo quy định của thị trường chứng khoán, bộ máy quản trị của doanh nghiệp phải chịu áp lực về công khai tài chính theo quy định của thị trường chứng khoán. Chính điều này sẽ giúp chúng tôi xác định rõ giá trị của đồng vốn đem bán mà không bị chủ quan khi đánh giá.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên