Tiêu điểm

Chủ tịch CMC: 'Nếu chính sách mở cửa, kinh tế tư nhân có thể đóng góp 80% GDP'

(VNF) - Theo Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính, hiện kinh tế tư nhân đang đóng góp tới 40% GDP, nếu chính sách mở cửa tốt có thể đóng góp tới 80% GDP của đất nước.

Chủ tịch CMC: 'Nếu chính sách mở cửa, kinh tế tư nhân có thể đóng góp 80% GDP'

Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính

Ngày 17/6 tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam và 100 doanh nhân tư nhân tiêu biểu.

Với tư cách là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC đã trình bày bài phát biểu với chủ đề “Doanh nhân tư nhân khát vọng xây dựng quốc gia hùng cường”.

Theo ông Chính, một đất nước muốn hùng cường thì kinh tế phải mạnh, để làm được việc đó phải có các doanh nhân tài giỏi. Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp đến 40% GDP đất nước, cũng như tạo việc làm cho 80% người lao động.

Chủ tịch CMC cũng đóng góp 5 ý kiến và 1 cam kết cho Chính phủ, cụ thể: Chính phủ tiếp tục xây dựng chính phủ kiến tạo bằng cách đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các thủ tục.

Bên cạnh đó, mở cửa hơn nữa, xây dựng các tiêu chuẩn cạnh tranh để Việt Nam lọt trong Top 4 ASEAN và các quốc gia hàng đầu thế giới. Đồng thời đổi mới sáng tạo và công nghiệp là then chốt trong nền kinh tế, nên khuyến khích hơn nữa để chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, công dân số, thúc đẩy nguồn nhân lực 4.0, các môn khoa học tự nhiên như Toán, tiếng Anh…

Chính phủ cũng nên tin vào khối tư nhân và giao nhiều việc hơn nữa cho tư nhân như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, bến cảng, thu hút nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu dự án…

Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam

Ông Chính cũng cho rằng Việt Nam có cơ hội để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như Châu Á Thái Bình Dương (APAC), hay còn goi là “Digital Hub”. Điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu cũng như vị trí địa lý của Việt Nam, là trung tâm kết nối khu vực tiểu vùng sông Mê Kông hoặc cả vùng Châu Á Thái Bình Dương.

Chủ tịch CMC cũng khẳng định cam kết doanh nhân tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng, thậm chí quan trọng nhất trong hành trình hướng đến mục tiêu năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập đầu người đạt 35-45,000 USD.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các ý kiến phong phú và cần thiết, thể hiện tâm tư nguyện vọng của các doanh nhân Việt Nam.

Thủ tướng cho biết kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần, các thành phần đều bình đẳng và được tạo điều kiện phát triển, trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là thúc đẩy doanh nghiệp tăng quy mô, vươn ra toàn cầu, có tầm nhìn sáng tạo hơn, tạo nên khát vọng vươn lên.

"Việc chúng tôi lắng nghe ý kiến của quý vị hôm nay là để tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục sửa đổi Nghị quyết 10, xây dựng nền kinh tế tự cường. Tôi đề nghị doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và Hội Doanh nhân Tư nhân sẽ tập hợp cùng nhau, tăng trưởng về chất lượng và việc làm, nói không với tham nhũng, tiêu cực, kết nối với các cơ sở đào tạo, truyền khát vọng cho tất cả người dân, tạo thương hiệu trong nước và toàn cầu”, người đứng đầu chính phủ nói.

Thay mặt Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch hội cam kết sẽ lĩnh hội các chỉ đạo của Thủ tướng để lên kế hoạch hành động cụ thể, kinh doanh hiệu quả, ngày càng phát triển lớn mạnh, xây dựng Tổ quốc.

Tin mới lên