Bất động sản

Chủ nhà hàng nổi, du thuyền Hồ Tây đối diện nguy cơ phá sản

(VNF) – Lệnh di dời, tháo dỡ của UBND phường Thụy Khuê đang đặt các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng nổi, du thuyền Hồ Tây trước nguy cơ phá sản.

Chủ nhà hàng nổi, du thuyền Hồ Tây đối diện nguy cơ phá sản

Một nhà hàng nổi trên Hồ Tây hiện tại

"Tối hậu thư" của UBND quận Tây Hồ

Ngày 16/2, UBND quận Tây Hồ đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp đang kinh doanh nhà hàng nổi, du thuyền tại Hồ Tây (đoạn từ số 2 đến số 10 đường Nguyễn Đình Thi).

Văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây. Đồng thời di dời các phương tiện tàu, thuyền, phương tiện nổi về vị trí tập kết tại Đầm Bảy, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ xong trước ngày 25/2/2017.

Văn bản cũng "lệnh" cho các doanh nghiệp phải tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện thủy nội địa ra khỏi Hồ Tây trước ngày 10/3/2017.

Chủ nhà hàng nổi, du thuyền Hồ Tây đối diện nguy cơ phá sản ảnh 1

Văn bản yêu cầu di dời, tháo dỡ các phương tiện thủy nội địa của UBND quận Tây Hồ gửi các doanh nghiệp

Cũng trong ngày 16/2, UBND phường Thụy Khuê đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng nổi, du thuyền tại Hồ Tây.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Bá Đông, Phó chủ tịch UBND phường Thụy Khuê, nhắc lại yêu cầu các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện việc dừng hoạt động theo thông báo số 38 của UBND thành phố Hà Nội (ban hành ngày 7/2), đồng tiến hành di dời, tháo dỡ các phương tiện theo quy định.

"Thời gian thực hiện việc này, phải xong trước ngày 20/2/2017, quá thời hạn trên chúng tôi sẽ báo cáo về UBND quận Tây Hồ để xử lý theo quy định của pháp luật", ông Đông nói.

Vì sao các doanh nghiệp mãi không di dời?

Câu chuyện di dời các du thuyền, nhà hàng nổi tại Hồ Tây được bắt đầu từ năm 2009. Tại thời điểm đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố về việc bảo đảm cảnh quan Hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu các doanh nghiệp có tàu, thuyền kinh doanh trên Hồ Tây dọc tuyến đường Thanh Niên di chuyển bến neo đậu đến địa điểm tạm thời tại số 2 – 10 Thụy Khuê.

Đến năm 2010, dự án mở rộng vườn hoa Lý Tự Trọng hoàn thành, các bến neo đậu tàu thuyền tại đường Thụy Khuê gây chắn tầm nhìn mất mỹ quan đô thị, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Tây Hồ tìm một địa điểm khác phù hợp để làm bến neo đậu cho tàu, thuyền của các doanh nghiệp hiện đang kinh doanh trên Hồ Tây.

Chủ nhà hàng nổi, du thuyền Hồ Tây đối diện nguy cơ phá sản ảnh 2

Việc không phân chia vị trí cụ thể tại Đầm Bảy đã khiến các doanh nghiệp không thể di dời các du thuyền, nhà hàng nổi

Ngày 5/5/2011, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội có văn bản số 612/VQH-T2 thống nhất với đề xuất vị trí dự kiến xây dựng bến thủy nội địa Hồ Tây của UBND quận Tây Hồ tại khu vực giáp Đầm Bảy, phường Nhật Tân.

Theo đó, bến thủy nội địa này có diện tích chiếm nước khoảng 1,5 ha, diện tích sàn cầu tàu 3.000 m2. Bến thủy được thiết kế với 3 lối tiếp cận chính từ phía mặt đường kè hồ. Cấu trúc bến thủy được thiết kế dự kiến sử dụng giải pháp kết cấu cọc đài cao bê tông cốt thép, đài cọc đồng thời được sử dụng làm sàn công tác của bến cập tàu.

Tuy nhiên, kể từ năm 2011 đến nay, bến thủy nội địa này vẫn chưa được hoàn thành. Điều này khiến các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh: không di dời thì không được mà di dời thì không biết đi đâu.

Ông Phương Quốc Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây – một trong các doanh nghiệp thuộc diện di dời – chia sẻ: thành phố yêu cầu di dời lên Đầm Bảy nhưng lại không phân vị trí cụ thể cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp không thể xây dựng cầu cảng, không biết neo đậu tàu thuyền vào đâu.

"Đặc trưng của các phương tiện thủy là phải có chỗ neo đậu với hệ thống cầu cảng, cầu dẫn kiên cố, nếu không một trận giông lớn trên Hồ Tây sẽ khiến tàu thuyền bị lật hoặc vỡ nát khi va đập vào bờ kè. Không có chỗ neo đậu, chúng tôi không thể di dời", ông Hùng cho biết.

Trường hợp của ông Đỗ Việt Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Nhuận Mai lại éo le hơn. Công ty tuân theo lệnh di dời của thành phố, kéo sàn nổi lên Đầm 7, nhưng lại bị lực lượng chức năng phường Nhật Tân xử phạt vì hành vi đóng cọc xuống Hồ Tây.

"Đóng cọc giữ thuyền thì bị xử phạt nhưng không đóng cọc làm sao giữ được thuyền", ông Việt Anh nói.

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bồi thường

Đại diện các doanh nghiệp cho biết, đối với chủ trương di dời tàu thuyền, phương tiện nổi ra khỏi Hồ Tây của thành phố, các doanh nghiệp đều nhất trí, đồng tình và đã thuê sẵn máy móc để di dời, tháo dỡ.

Chủ nhà hàng nổi, du thuyền Hồ Tây đối diện nguy cơ phá sản ảnh 3

Một doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng nổi tại Hồ Tây đã thuê máy xúc để chuẩn bị di dời, tháo dỡ

Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong muốn các cấp chính quyền có phương án hỗ trợ, bồi thường đối với các tài sản có nguồn gốc và giấy phép đầy đủ.

"Chúng tôi được cấp phép sử dụng mặt nước 30 năm, tàu thuyền hiện tại của các doanh nghiệp còn niên hạn sử dụng 13 – 17 năm nữa. Nếu di dời, tháo dỡ, chính quyền cần có sự định giá, bồi thường chứ không nên để doanh nghiệp trắng tay như thế", ông Đỗ Việt Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Nhuận Mai nói.

Ông Việt Anh cho biết, sở dĩ các doanh nghiệp chưa di dời ngay vì muốn chính quyền xuống định giá tài sản trước. Bởi "nếu tháo tung ra rồi thì làm sao định giá được nữa. Đa phần doanh nghiệp đều vay mượn để đầu tư hệ thống nhà hàng nổi, nếu không đền bù thì chỉ còn nước phá sản…"

Tin mới lên