Diễn đàn VNF

Chống tai nạn giao thông do rượu bia: Những đòi hỏi mới về chiến thuật của lực lượng công an

(VNF) – Để ngăn chặn tình trạng vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện, lực lượng công an cần thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, đổi mới chiến thuật, phương thức tuần tra kiểm soát.

Chống tai nạn giao thông do rượu bia: Những đòi hỏi mới về chiến thuật của lực lượng công an

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh Hà Tĩnh, trong năm 2018 đã phát hiện xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn với số tiền phạt hàng chục tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, thông qua hoạt động tuần tra kiểm toát, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 1.141 trường hợp vi phạm ; phạt tiền hơn 5 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 1.050 trường hợp; tạm giữ 1.141 phương tiện.

Có thể nói tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu đang ở mức báo động. Theo nhận định của các cơ quan chức năng thì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia chiếm từ 30-40% tổng số các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua.

Để kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn một cách ổn định, bền vững, lực lượng cảnh sát giao thông cần thực hiện tốt 4 giải pháp.

Thứ nhất, chủ động nắm tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chung tay cùng lực lượng công an triển khai nghiêm túc có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung và công tác phòng ngừa vi phạm về nồng độ cồn nói riêng.

Hiện nay, đã có nhiều văn bản, quy định về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, tuy nhiên hiệu quả của việc chấp hành các quy định này là chưa được cao nhiều khi còn mang tính hình thức. Do đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các quy định về phòng chống tác hại của rượu bia một cách đa dạng, phong phú thiết thực và hiệu quả hơn.

Thứ hai, cần đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật giao thông đường bộ nói chung và các quy định về nồng độ cồn nói riêng nhằm làm chuyển biến một cách mạnh mẽ nhận thức và ý thức chấp hành của người dân đã lái xe tham gia giao thông là không uống rượu, bia.

Thứ ba là cần thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, đổi mới chiến thuật, phương thức tuần tra kiểm soát theo hướng liên tuyến, liên địa bàn, xây dựng, bố trí lực lượng phù hợp với từng địa bàn, tuyến, tăng cường tuần tra cơ động, kết hợp giữa tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang sử dụng phương tiện thiết bị nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và xử lý vi phạm vi phạm về nồng độ cồn.

Cụ thể, trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường dẫn đến các khu vui chơi, du lịch, các điểm kinh doanh ăn uống cần bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai, tại các điểm kiểm soát cần đặt biển thông báo “kiểm tra nồng độ cồn”.

Còn tại các tuyến đường, khu vực trọng điểm thường hay xảy ra vi phạm cần phải bố trí đủ lực lượng, phương tiện, kết hợp chặt chẽ giữa tuần tra kiểm soát công khai và hóa trang. Nguyên do là các đối tượng vi phạm quy định về nồng độ cồn thường có những biểu hiện chống đối hay trốn tránh sự kiểm tra kiểm soát của lực luợng chức năng, nếu chỉ bố trí lực lượng công khai thì hiệu quả kiểm tra kiểm soát sẽ rất thấp, nhất là đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm.

Lực lượng hóa trang sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát, phát hiện hỗ trợ lực lượng công khai thực hiện việc kiểm sát, xử lý vi phạm, đồng thời ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng nhiều rượu bia, các trường hợp say...

Kinh nghiệm của Công an Hà Tĩnh trong những năm qua khi thực hiện tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn là huy động tối đa, lực lượng, phương tiện kết hợp chặt chẽ giữa tuần tra kiểm soát công khai và hóa trang, có sự tham gia đầy đủ của lực lượng cảnh sát giao thông hai cấp tỉnh và huyện cũng như huy động thêm lực lượng cảnh sát khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113...

Thứ tư, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường quan hệ phối hợp với các lực lượng chức năng khác trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông như Thanh tra giao thông, Sở thông tin truyền thông, Tỉnh đoàn...

Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương nơi tập trung nhiều lái xe, chủ xe vi phạm hoặc trên địa bàn trọng điểm về an toàn giao thông nơi thường xảy ra vi phạm để tăng cường công tác giáo dục răn đe, tuyên truyền nhắc nhở và thực hiện các hoạt động kiểm tra kiểm soát khác.

(*) Phó trưởng Công an thành phố Hà Tĩnh

Tin mới lên