Tiêu điểm

Chính phủ muốn trình Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào năm 2019

(VNF) - Sáng 10/12, phiên họp thứ 29 của Ủỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019.

Chính phủ muốn trình Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào năm 2019

Chính phủ muốn trình Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào năm 2019

Theo quan điểm của Chính phủ, có 3 dự án luật cần thiết phải được bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp kệnh năm 2018, đó là Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) với lý do trước hết do nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân (bao gồm cả khu vực tư nhân nước ngoài) là rất cần thiết.

Do vậy, việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế, góp phần thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; khắc phục những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trong dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhất là tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn tín dụng tham gia thực hiện dự án đầu tư theo hình thức này.

Bên cạnh đó, Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý ở tầm luật nhằm đảm bảo tính cam kết về mặt pháp lý từ phía Nhà nước, giảm thiểu rủi ro và chi phí cho dự án nhằm thu hút nhà đầu tư; khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về vấn đề đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình trên cơ sở trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Việc sửa đổi nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành, trong đó có quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, điều động, cách chức, cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức…

Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chính phủ đề nghị bổ sung và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi nhằm tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm, về công tác tuyển dụng công chức, về chính sách thu hút nhân tài và các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức.

Đồng thời, hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức cấp xã nhằm bảo đảm tinh giản đội ngũ, nâng cao chất lượng và có cơ chế liên thông đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm sự phù hợp với Quyết định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Tin mới lên