Bất động sản

Chính phủ ‘cởi trói’ cho xã hội hoá nạo vét đường thuỷ, cảng biển

(VNF) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 159 quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa. Điều này, cũng mở đường cho phép việc khai thác trở lại các tuyến luồng nội địa, giảm tình trạng khan hiếm cát xây dựng hiện nay. Nghị định sẽ có hiệu lực từ 11/1/2019.

Chính phủ ‘cởi trói’ cho xã hội hoá nạo vét đường thuỷ, cảng biển

Từ ngày 11/1/2019, các dự án xã hội hoá tuyến đường thuỷ được khai thác trở lại

Nghị định nêu rõ, công tác nạo vét vùng nước đường thủy nội địa  quốc gia kết hợp thu hồi sản phẩm (dự án xã hội hóa đầu tư) được thực hiện theo trình tự: Bộ GTVT lập và công bố danh mục khu vực nạo vét; trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án, triển khai thực hiện dự án và bàn giao dự án theo quy định tại nghị định.

Đối với các dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa địa phương, UBND cấp tỉnh thực hiện toàn bộ các khâu, từ lập danh mục đến khi hoàn thành dự án.

Về lập danh mục dự án trên tuyến đường thủy quốc gia, hàng năm, Bộ GTVT chủ trì tổ chức lập mới hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục khu vực nạo vét trên cơ sở thống nhất với UBND cấp tỉnh có liên quan. Danh mục dự án phải có các thông tin về: tên địa điểm, khu vực nạo vét; tóm tắt các thông số kỹ thuật, chuẩn tắc thiết kế chủ yếu của khu vực nạo vét, thời gian thực hiện.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày danh mục khu vực nạo vét được phê duyệt, Bộ  GTVT, UBND cấp tỉnh và các cơ quan quản lý chuyên ngành, đường thủy nội địa thực hiện công bố danh mục khu vực nạo vét trên Trang thông tin điện tử của cơ quan theo quy định.

Nội dung nghị định cũng quy định, Sở GTVT các địa phương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa quốc gia, nạo vét vùng nước đường thủy nội địa địa phương làm cơ sở để lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án, trình UBND cấp tỉnh.

Việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu. “Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư để thực hiện dự án, Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh theo thẩm quyền căn cứ mức độ cần thiết của dự án để bố trí ngân sách nhà nước thực hiện”, nội dung nghị định nêu.

Trước đó, Cục Đường thủy nội địa VN cho hay, những năm trước có một số dự án thí điểm xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy quốc gia được triển khai, nhưng do chỉ được điều chỉnh bằng Thông tư của Bộ GTVT nên nảy sinh nhiều bất cập, vì vậy đến nay tất cả đã tạm dừng để chờ nghị định của Chính phủ. Việc ban hành Nghị định 159 cho phép các tuyến luồng trên được khai thác trở lại.

Tin mới lên