M&A

Châu Âu chống lại FDI của Trung Quốc như thế nào?

(VNF) - Châu Âu cảnh giác trước dòng vốn đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc. Bốn nền kinh tế lớn nhất châu lục gồm Pháp, Đức, Anh và Italy đã tiến hành các biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ tài sản của mình trước hoạt động thâu tóm của Trung Quốc thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Châu Âu chống lại FDI của Trung Quốc như thế nào?

Châu Âu cảnh giác trước dòng vốn đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc.

Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới việc sớm thông qua cơ chế kiểm soát đầu tư nhằm giải quyết sự mất cân bằng giữa việc Trung Quốc tăng cường thâu tóm các công ty ở châu Âu trong khi lại kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư của các nước châu Âu vào nước này. Việc các nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ tài sản kinh tế trước nhà đầu tư nước ngoài chính là phản ứng trước chiến lược của Trung Quốc nhằm tạo ra những tập đoàn công nghiệp sáng tạo hàng đầu trên thế giới phục vụ lợi ích của nước này, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng.

Các quyết định từ các thủ đô lớn

Berlin rất cảnh giác trước FDI của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi một nhà máy của Trung Quốc có tên là Midea mua lại công ty robot của Đức cách đây không lâu. Khoản đầu tư trị giá 2 tỷ USD của Tập đoàn sản xuất ô tô Geely (Trung Quốc) vào Tập đoàn sản xuất ô tô Daimler của Đức mới đây cũng gây nghi ngờ. Việc chính quyền bà Merkel gần đây quyết định phong toả việc bán Mental Spinning (chuyên sản xuất thiết bị kim loại kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp vũ trụ và năng lượng) gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn rằng, Đức sẽ xem xét kỹ lưỡng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược.

Trong khi sàng lọc các FDI là một hiện tượng mới ở Đức, thì Paris đã thông qua luật này từ lâu. Chính phủ được quyền xem xét kỹ lưỡng và có quyền phủ quyết một số khoản đầu tư FDI nhất định, nhất là liên quan đến lĩnh vực quốc phòng. Quyền lực của Bộ Kinh tế tiếp tục được mở rộng. Những đảm bảo ngăn chặn sự rò rỉ về công nghệ đã được ban hành. Cơ chế sàng lọc đầu tư được mở rộng, bao gồm từ trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, robot đến dữ liệu lớn, chất bán dẫn và khoa học không gian. Chính phủ có quyền ngăn chặn những động thái nhất định ngay tại các công ty chiến lược sau khi đã bị nước ngoài mua lại.

Luật mới ở Anh sẽ tăng cường khả năng của chính phủ ngăn chặn các khoản FDI vào các ngành công nghiệp nhạy cảm. Phạm vi luật sẽ được mở rộng bao gồm các khoản đầu tư vào sở hữu trí tuệ hoặc mua cổ phần. Số lượng các giao dịch chịu sự kiểm tra của chính phủ dự kiến sẽ vào khoảng 50 giao dịch/năm. Bộ luật mới xuất hiện sau nhiều khoản đầu tư gây tranh cãi của Trung Quốc ở Anh, trong đó đáng chú ý là vụ mua nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point vào mùa hè vừa qua. Rõ ràng, chính phủ của bà Theresa May hoài nghi về thương mại đối với Trung Quốc nhiều hơn so với chính phủ Cameron trước đây.

Italy cũng đã mở rộng hệ thống kiểm soát FDI đối với các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh để chính phủ có thể kiểm soát các loại công nghệ cao. Hiện chính phủ Italy có thể phủ quyết những giao dịch trong các ngành công nghiệp này hay đưa ra điều kiện cho tất cả các bên tham gia đầu tư. Đầu năm 2018, Rome đã sử dụng những quyền mới của mình để đặt điều kiện đối với công ty vũ trụ Piaggio trong thương vụ bán động cơ phản lực P180 cho công ty đầu tư PAC, một công ty được chính phủ Trung Quốc bảo trợ, đồng thời ngăn chặn bất cứ sự chuyển giao công nghệ quân sự nào.

Những động thái phòng vệ diễn ra ở Đức, Pháp, Anh và Italy đã tạo thành một phần của sự thay đổi trong chính sách của các nước phương Tây đối với Trung Quốc. Các diễn biến tương tự cũng đang diễn ra ở Australia, Canada, Nhật Bản và Mỹ. Nhìn xa hơn, một câu hỏi được đặt ra là mức độ lan tỏa của biện pháp phòng vệ này sang phần còn lại của châu Âu như thế nào. Hội đồng châu Âu cần thông qua đề xuất kiểm soát đầu tư của Ủy ban châu Âu (EC) trong năm nay. Tuy nhiên, khi đề xuất có hiệu lực, vẫn vấp phải sự hoài nghi nhất định trong việc triển khai do thực tế đạo luật không mang tính ràng buộc.

Hướng tới một cách tiếp cận chung

Trong thông điệp của EU tháng 9/2017, chủ tịch EC Jean-Claude Junker đã tuyên bố rằng, các thương nhân châu Âu không phải là những doanh nhân ngây thơ và đã đề xuất một “Quy trình sàng lọc FDI chung” cho cả EU. Đề xuất này hiện đang được nghị viện châu Âu xem xét. Đạo luật này nếu được thông qua sẽ thiết lập một “khuôn khổ EU” để phân tích FDI trong các lĩnh vực chiến lược. Khuôn khổ này sẽ tạo ra một cơ chế phối hợp giữa các quốc gia thành viên EU với EC. Nó sẽ giúp các nước muốn thiết lập cơ chế sàng lọc nhưng sẽ không áp đặt bất cứ giới hạn ràng buộc nào.

Tuy nhiên, việc hạn chế đầu tư của Trung Quốc không chỉ là một nỗ lực mang tính phản ứng. Việc thúc đẩy một “Quy trình sàng lọc FDI chung” thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn. Để đi đến một cách tiếp cận chung như vậy, phải đạt được sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia với việc duy trì cam kết thương mại tự do và cởi mở. Mặt khác, EU cũng không thể từ bỏ đối thoại với Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh EU—Trung Quốc hè vừa qua đã đưa ra một Thông cáo chung. Cùng với nhiều nội dung khác, Thông cáo chung cam kết hướng tới một Hiệp định đầu tư toàn diện EU—Trung Quốc.

Khi EU tìm cách xác định cách tiếp cận riêng của mình đối với Trung Quốc, điều quan trọng sống còn là phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ và làm việc chu đáo với Nhật Bản, cũng như “các bên đa phương khác” nhằm giải quyết các mối quan ngại chung liên quan đến thực tiễn kinh tế-chính trị Trung Quốc. Để Bắc Kinh cam kết tự do hoá, mở cửa nền kinh tế của đại lục và mọi việc trở nên minh bạch hơn, thì một cách tiếp cận thống nhất của các nước phương Tây là điều cần thiết bắt buộc.

Cuộc thảo luận do EC khởi xướng sẽ giúp nâng cao nhận thức ở tất cả các nước trong châu lục này, kể cả những nước có tư tưởng phản đối chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động thương mại. Hệ thống này sẽ đảm bảo tính minh bạch thông qua việc tăng cường hoạt động giám sát của truyền thông đối với mối quan hệ giữa đầu tư, an ninh, chuyển giao công nghệ và việc các nước thành viên cũng như EC sẽ theo dõi những gì các nước thành viên khác đang làm ở khu vực này. Rốt cuộc, người đưa ra quyết định chính vẫn sẽ là quốc gia có chủ quyền, nhưng EU vẫn đóng vai trò điều phối quan trọng.

Cần phải hài hòa cách ứng xử ở châu Âu để tất cả các thành viên nhận thức được sự cần thiết của cải cách luật pháp quốc gia và xây dựng cơ chế thực thi có hiệu quả. Trong một hệ thống không mang tính ràng buộc, các nước thành viên sẵn sàng từ bỏ những tài sản chiến lược để đổi lấy việc được nhận hỗ trợ về tài chính, nhưng họ sẽ khó tránh khỏi những sức ép về mặt chính trị. Giới quan sát cũng nhận thấy rằng, Trung Quốc đang trong trạng thái thích nghi với châu Âu vì cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động đang lấn át tất cả các vấn đề khác và Trung Quốc đang cần tìm kiếm những người bạn.

Tin mới lên