Tài chính

Chậm nộp tiền thuế, HAGL bị phong toả tài khoản hơn 55 tỷ đồng

(VNF) - Theo thông báo mới nhất từ Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG), ngày 28/9/2017, công ty đã nhận được quyết định số 1039/15 QĐ-CT của Cục thuế tỉnh Gia Lai về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp cưỡng chế trích tiền gửi tại các ngân hàng để nộp vào ngân sách nhà nước.

Chậm nộp tiền thuế, HAGL bị phong toả tài khoản hơn 55 tỷ đồng

Chậm nộp tiền thuế, HAGL bị phong toả tài khoản hơn 55 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, HAGL bị cưỡng chế nộp hơn 55 tỷ đồng với lý do: công ty nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày đã hết hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

HAGL cũng cho biết đến ngày 30/11/2018, công ty đã nộp đầy đủ khoản tiền trên vào ngân sách nhà nước và nhận được quyết định của Cục thuế Gia Lai về việc ngừng phong toả tài khoản của công ty.

Nhưng "do sơ suất, công ty đã bỏ sót không công bố thông tin đúng theo quy định", HAGL giải trình về lý do công bố thông tin chậm và cho biết “công ty xin nghiêm túc rút kinh nghiệm và không để xảy ra thiếu sót trong thời gian tới".

Được biết, mới đây, một "đứa con" khác của HAGL là Công ty Cổ phần nông nghiệp quốc tế HAGL (HAGL Agrico, HoSE: HNG) cũng đã công bố thông tin bị phạt thuế hơn 51 tỷ đồng theo quyết định của Cục thuế tỉnh Gia Lai trong 2 năm 2017-2018. Hiện, công ty cho biết đã hoàn thành nộp tổng số tiền trên.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 được HAGL công bố, lợi nhuận trước thuế trong kỳ của công ty đạt 392 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Đi vào chi tiết, quý III/2018, HAGL ghi nhận doanh thu thuần 1.520 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp là 862 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi.

Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của HAGL bị bào mòn nặng nề bởi chi phí tài chính khổng lồ, lên đến 442 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay), cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ở mức cao, lần lượt 50,5 tỷ đồng và 212 tỷ đồng, và đặc biệt là khoản "lỗ khác" lên đến 555 tỷ đồng.

Được biết, khoản lỗ khác trên chủ yếu do HAGL thực hiện xóa sổ các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cây cọ dầu và chi phí do chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái.

Sở dĩ HAGL vẫn lãi hàng trăm tỷ trong quý III/2018 là do công ty này bất ngờ ghi nhận khoản lãi thanh lý đầu tư lên đến 516 tỷ đồng. Đây chủ yếu là khoản lãi từ việc giảm tỷ lệ sở hữu trong Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAN).

Lũy kế 9 tháng năm 2018, HAGL ghi nhận doanh thu thuần 4.435 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 519 tỷ đồng, giảm 50%.

Tính đến hết ngày 30/9/2018, tổng tài sản của HAGL ở mức 48.357 tỷ đồng, giảm 8,9% so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 17.021 tỷ đồng, giảm 4,3%. Nợ phải trả ở mức 31.335 tỷ đồng, giảm 11%; trong đó tổng nợ vay ở mức 21.059 tỷ đồng, giảm 7,7%.

Tin mới lên