Thị trường

CEO AirAsia muốn hãng hàng không liên doanh tại Việt Nam bay sau 6 tháng nữa

Hãng hàng không liên doanh thứ hai tại Việt Nam được thiết lập bởi AirAsia và Công ty Cổ phần hàng không Hải Âu đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 1/8/2019.

CEO AirAsia muốn hãng hàng không liên doanh tại Việt Nam bay sau 6 tháng nữa

AirAsia muốn vào thị trường hàng không nội địa Việt Nam qua hãng hàng không Hải Âu.

Đây là một trong những nội dung trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của ông Tony Fernandes, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Hãng hàng không giá rẻ AirAsia.

Trong thư này, tỷ phú người Malaysia cho biết trong hai tháng tới, AirAsia và Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh (TMG)/Công ty Cổ phần hàng không Hải Âu (HAA) sẽ sử dụng tối đa nguồn lực và đẩy nhanh tiến trình dự án đầu tư để có thể chính thức nộp bộ hồ sơ xin cấp phép khai thác vận tải hàng không tại Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch & Đầu tư để chuẩn bị hồ sơ cấp phép tuân thủ một cách tuyệt đối các quy định của Việt Nam liên quan đến cấp phép đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không”, ông Tony cho biết.

Theo CEO AirAsia, trên cơ sở đồng ý của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội về việc AirAsia mua 30% phần vốn góp của HAA, công ty sẽ được sử dụng cho mục đích liên doanh. Một bản đề án bao gồm bản giải trình chi tiết lý do thành lập một hãng hàng không giá rẻ (LCC) mới tại Việt Nam dựa trên mô hình kinh doanh của AirAsia, bản đánh giá về ngành hàng không Việt Nam, kế hoạch và cơ cấu tổ chức cho dự án liên doanh cũng đã được cho là đính kèm theo thư gửi Thủ tướng.

Lãnh đạo AirAsia muốn Thủ tướng quan tâm hỗ trợ để đẩy nhanh thủ tục cấp phép để công ty liên doanh có thể ra mắt chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 1/8/2019.

AirAsia cũng bày tỏ muốn được khảo sát kỹ hơn cơ hội đầu tư vào hai sân bay lớn tại khu vực miền Trung Việt Nam là Chu Lai và Phú Bài.

Được biết, Hải Âu gia nhập thị trường hàng không vào năm 2014 với 3 máy bay thủy phi cơ và mới chỉ có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung.

Trong khi đó, với AirAsia, đây là lần thứ ba trong vòng 10 năm trở lại đây, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á này tìm kiếm cơ hội hợp tác với một đối tác Việt Nam.

Trước đó, AirAsia từng được thỏa thuận với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin, nay là SBIC (năm 2007) và Vietjet (năm 2010) để thành lập hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài thứ hai tại Việt Nam (sau Jetstar Pacific). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các thỏa thuận này đều không thể cụ thể hóa.

Tin mới lên